- Mẹ ơi, khi nào mẹ về?

- Sắp rồi.

- Sao mẹ lâu về thế, sao mẹ cứ hẹn con mãi, nhất định mẹ phải về nhé!

Đó là đoạn hội thoại giữa Hiền, nghiên cứu sinh Đại học Thammasat với cô con gái 6 tuổi ở nhà. Hiền là giảng viên Trường đại học Thăng Long (Hà Nội), đang là nghiên cứu sinh ở Thái Lan với đề tài luận văn tiến sĩ “Đánh giá tác động môi trường đối với trẻ em”.

Du học sinh - đằng sau nhãn hiệu mơ ước ấy là những nỗ lực tự thân để tồn tại.

Biết sống ở nước ngoài

Tôi hỏi sao Hiền không học tiến sĩ ở Việt Nam cho gần con gái và gia đình, Hiền bảo em muốn đi đây đó để mở mang thêm, không chỉ là kiến thức mà còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống. Để được nhận học bổng nghiên cứu sinh ở nước ngoài, Hiền phải nỗ lực hết sức mình để đạt được điều kiện đầu tiên là tiếng Anh, một rào cản lớn đối với nhiều người và sau đó, còn nhiều điều kiện cao nữa.

Để hòa đồng với bạn bè quốc tế, du học sinh Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều

Bây giờ chuyện du học đã trở nên quen thuộc và phổ biến nhưng việc học tập và sống ở nước ngoài cũng là điều không dễ dàng. Hòa nhập là điều quan trọng đầu tiên. Không chỉ hòa nhập với con người, đời sống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương nước sở tại mà còn phải hòa nhập với bạn bè quốc tế cùng trường và một điều tưởng nhỏ mà không hề nhỏ là phải thích ứng với cả thời tiết nữa. Du học, tuy môi trường chỉ là một trường đại học, nhưng về mặt tính chất thì đó vẫn là một cuộc sống mang tầm một thế giới thu nhỏ.

Sống ở nước ngoài nghĩa là phải tiết kiệm. Dù bạn được học bổng hay du học tự túc thì đều phải biết tiết kiệm. Hàng hóa chất ngất trong các trung tâm thương mại lớn với hàng trăm nhãn hàng nổi tiếng, rồi hàng chất lượng cao nhưng đó không phải là dành cho đa số du học sinh. Du học ở nước ngoài là phải biết đi tìm chợ đầu mối để mua hàng, giá cả sẽ rẻ hơn mua ở các trung tâm thương mại hay siêu thị đến 50%. Những du học sinh Việt Nam (tiến sĩ, thạc sĩ và sinh viên đại học) thường hẹn nhau cùng đi chợ đầu mối, vừa có anh chị em bạn đồng hương trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm vừa được mua hàng rẻ, tươi ngon.

Sống ở nước ngoài, một kỹ năng vô cùng quan trọng là phải biết bắt xe bus hay tàu điện ngầm, tàu điện trên không. Gọi là kỹ năng bởi lẽ có hàng chục tuyến xe bus, tàu điện ngầm, tất cả đều tự động hoá; phải biết “đọc” lịch trình, điểm đến, số xe để mua vé, nếu không là “khóc một dòng sông” liền. Ngay cả trong trường đại học cũng mấy tuyến xe bus, xe van, lên nhầm xe cũng là chuyện thường ngày. Kỹ năng này cũng là để tiết kiệm, bởi lẽ đi taxi giá cả đắt hơn các phương tiện công cộng từ 5- 10 lần.

Còn hơn nửa tháng nữa mới về nước nhưng Hiền đã mua xong quà cho cả nhà, nhìn Hiền nâng niu những món quà nhỏ, tôi biết rằng đó là “thành quả” của việc Hiền đã tiết kiệm trong chi tiêu. Quà của du học sinh, mấy ai được rủng rẻng tiền “từ nhà gửi sang” đâu!

Du học sinh nghĩa là giúp đỡ

Đừng nghĩ rằng, chỉ đồng hương mới giúp đỡ đồng hương mà khi bạn là người nước ngoài bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ bạn bè nước sở tại và từ bạn bè đến từ các nước khác. Nhưng trước hết vẫn là tình đồng hương.

Du học sinh Việt Nam tại Rumani

Thùy Linh, du học sinh ngành kế toán Trường đại học Thammasat đã đi đoạn đường gần 40km, qua hai chặng xe bus, để đón em nữ sinh viên năm I vừa ở Việt Nam sang. Đón xong còn đưa em ấy về phòng trọ của mình, nấu cơm cho ăn rồi còn cho ở nhờ hai tuần học khóa hè do trường tổ chức trước khi em ấy được nhận phòng ở ký túc xá.

“Bất kỳ lời yêu cầu cần giúp đỡ nào được đưa ra là đồng hương sẽ giúp” Thùy Linh nói chắc nịch, nếu người này không giúp được thì sẽ có người khác giúp, không cần phải quen biết trước đó”. Đồng hương du học sinh ở đây mang nghĩa rộng lớn là người Việt Nam.

Bữa cơm của du học sinh Việt Nam

Giúp đỡ là trách nhiệm đối với du học sinh nhưng cũng mang đến niềm vui “không chỉ bạn vui vì nhận sự giúp đỡ của người khác mà bạn sẽ thấy vui khi được giúp đỡ người khác nữa” - Thành Nhân học thạc sĩ ngành xây dựng ở Thái Lan chia sẻ.

Du học sinh nghĩa là học thật sự

Đại học ở nước ngoài cũng học “kịch liệt”. Ngoài giờ học ở lớp, phải tự tìm tài liệu, tự nghiên cứu, tự học, nói chung là phải tự chủ việc học của mình. Nguyễn Hoàng - cựu học sinh Quốc Học Huế đang học thạc sĩ ngành dược ở Thái Lan cho biết: “Không đùa được đâu: ngày 1: học lý thuyết, ngày 2: thực hành; ngày 3: làm bài tập. Mà bài tập làm liên tục. Thiếu môn là bị đuổi về nước ngay”.

Mà đâu chỉ việc học, còn bao nhiêu là sinh hoạt ngoại khóa, văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, chẳng ai vắng được vì đó cũng là học, cũng là điểm.

Tự học là yêu cầu đầu tiên nên các trường đại học ở nước ngoài có rất nhiều thư viện, quanh sân trường có nhiều chỗ học có mái che rộng rãi cho sinh viên với hàng mấy chục bộ bàn ghế, như ở Trường đại học Thammasat xây nguyên một tòa nhà 4 tầng cho sinh viên đến học.

Du học sinh, một cánh cửa bước ra thế giới. Và dĩ nhiên đó sẽ là một con đường nhiều thử thách để trưởng thành.

Bài: XUÂN AN - Ảnh: THÙY DUNG