Cụ thể 10 nhà khoa học Việt Nam có tên trong tốp 100.000 nhà khoa học có trích dẫn nhiều nhất thì Trường ĐH Y Hà Nội có 1 nhà nghiên cứu là PGS Trần Xuân Bách. Có 2 nhà nghiên cứu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là GS Nguyễn Thời Trung và TS Thái Hoàng Chiến.

Có 3 nhà nghiên cứu đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội là GS Nguyễn Đình Đức, PGS Lê Hoàng Sơn, GS Phạm Việt Hùng.

1 nhà nghiên cứu của ĐH Quốc gia TP.HCM là GS Phan Thanh Sơn Nam.

2 nhà nghiên cứu của Trường ĐH Phenikaa là GS Nguyễn Văn Hiếu, TS Phạm Việt Thành.

1 nhà nghiên cứu của Trường ĐH Việt - Pháp là TS. Trần Đình Phong, hiện là Trưởng khoa Khoa khoa học cơ bản và ứng dụng.

Trong đó, ông Trần Xuân Bách được biết đến là PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2016. Ông Bách cũng vừa được ĐH Johns Hopkins ( Mỹ) bổ nhiệm chức danh giáo sư tại đại học này.

Còn ông Phan Thanh Sơn Nam là GS trẻ nhất năm 2015 hiện là Trưởng khoa kỹ thuật hóa học thuộc Trường ĐH Bách khoa.

Ông Lê Văn Út cho hay thống kê này của nhóm tác giả John P. A. Ioannidis, Jeroen Baas, Richard Klavans, và Kevin W. Boyack trong công trình “A standardized citation metrics author database annotated for scientific field” được công bố trên Tạp chí “PLOS Biology” (Mỹ).

Nhóm tác giả gồm nhà khoa học có đẳng cấp về dữ liệu và trắc lượng khoa học. Dữ liệu mà công trình trên sử dụng là Cơ sở dữ liệu Scopus thuộc Nhà xuất bản Elsevier.

Tính đến năm 2018, Scopus thống kê công bố khoa học từ 24.702 tạp chí hàng đầu thế giới và 6.123 kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có uy tín.

Tại công trình trên, nhóm tác giả đã đưa ra kết quả rất quan trọng và thú vị về 3 danh sách 100.000 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ Cơ sở dữ liệu Scopus.

Danh sách 1 (S4) là danh giá và đáng chú ý nhất, đánh giá thành tựu trọn đời của các nhà khoa học tính tới cuối năm 2017; Danh sách 2 (S1) đánh giá thành tựu 22 năm cuối của nhà khoa học từ tháng 1/1/1996 đến 31/12/2017. Tuy nhiên không có bất kỳ nhà khoa học nào quốc tịch Việt Nam được liệt kê vào 2 danh sách này nhưng lại có nhiều nhà khoa học gốc Việt có quốc tịch nước ngoài được vinh danh trong cả hai danh sách trên (VietNamNet cũng đã đưa tin trước đó).

Danh sách 3 (S2) là danh sách đánh giá mang tính “tức thời” của các nhà khoa học; chỉ phân tích dữ liệu trích dẫn của năm 2017  và Việt Nam có ít nhất 10 nhà khoa học mang quốc tịch nước mình được vào danh sách này.

Cũng theo ông Út danh sách 3 này có 106.369 nhà khoa học hàng đầu được chọn ra từ 6.880.389 nhà khoa học trên toàn thế giới theo Scopus.  Trong đó, có 10.317 trường hợp không có địa chỉ cơ quan công tác và mã quốc gia.

Theo Vietnamnet