Du khách tham quan cổ vật. Ảnh: BẢO MINH

Thêm góc nhìn về mỹ thuật nhà Nguyễn

Đến thăm điện Long An từ nay đến cuối tháng 12/2019, du khách và công chúng có thể “gặp” hoàng đế Thiệu Trị qua triển lãm giới thiệu về vai trò của ông trong đời sống văn hóa - mỹ thuật cung đình Huế. Triển lãm này được Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tổ chức từ đầu tháng 9/2019 đến hết tháng 12/2019, giới thiệu một góc nhìn về giai đoạn cực thịnh của mỹ thuật cung đình nhà Nguyễn qua thời hoàng đế Thiệu Trị.

Điện Long An là điểm trưng bày chính của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Nơi đây lưu giữ và trưng bày các sưu tập cổ vật Huế xưa có xuất xứ từ cung đình nhà Nguyễn, như: đồ sứ, đồ pháp lam, trang phục cung đình, ấn triện, nhạc khí... Khoảng 20% nội thất của điện Long An là không gian được Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sử dụng để định kỳ thay đổi nội dung trưng bày trong khoảng thời gian nhất định. Linh động đổi mới theo cách này, điện Long An luôn có điểm mới để hấp dẫn du khách.

Trải nghiệm trò chơi cung đình

Nổi tiếng vị vua hay chữ, hoàng đế Thiệu Trị (1841-1847) đã để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm văn chương đồ sộ có. Thơ của ông được khắc chạm rất nhiều trên kiến trúc cung đình Huế, với nhiều hình thức khác nhau và trở thành một phần của hệ thống di sản tư liệu “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”. Trong 7 năm trị vì của hoàng đế Thiệu Trị, nước Đại Nam thanh bình, an lạc. Đời sống văn hóa - mỹ thuật cung đình Huế giai đoạn này rất phát triển, nhất là nghệ thuật kiến trúc cung đình và nghệ thuật trang trí trên vật dụng dùng trong hoàng cung, như: đồ sứ, pháp lam, đồ mộc sơn thếp, chạm khảm, điêu khắc…

Triển lãm “Hoàng đế Thiệu Trị với đời sống văn hóa - mỹ thuật cung đình Huế” được sắp đặt ở giữa chính điện Long An - công trình kiến trúc đặc sắc tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc gỗ thời nhà Nguyễn. Điểm nhấn là bốn tủ lớn trưng bày các bản vẽ về 20 cảnh đẹp của Kinh đô dưới thời hoàng đế Thiệu Trị và những hình ảnh minh họa thắng cảnh ấy trong đời sống hôm nay. Bên cạnh đó, còn có bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu và đồ pháp lam dưới thời vị hoàng đế này.

Thân thiện hơn

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế quản lý 16 điểm trưng bày trong Quần thể di tích Cố đô Huế và bảo quản hơn 11.000 hiện vật. Nhiều triển lãm đã và đang được bảo tàng tổ chức trưng bày và thu hút được quan tâm của khách tham quan khi di sản, như: “Dấu xưa”, Quan xưởng triều Nguyễn qua Châu bản, Huế - Một điểm đến 5 di sản, Quốc hiệu và kinh đô đất nước qua các thời kỳ lịch sử”, 100 năm cung An Định và các chuyên đề được thay đổi trưng bày ở Trường Lang.

Chúng em thăm cổ vật Chăm

Không gian trưng bày rộng lớn, điều kiện về hiện vật có hạn, việc trưng bày lại đòi hỏi luôn mới, nên yêu cầu đặt ra với Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là phải thường xuyên đổi mới hình thức và nội dung trưng bày. Theo đó, cùng với số lượng hiện vật của nhà Nguyễn hiện đang được đơn vị bảo quản, Bảo tàng cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để giới thiệu những bảo vật của triều Nguyễn cho công chúng Thừa Thiên Huế. Nổi bật có các trưng bày đã ra mắt công chúng như: Quan xưởng triều Nguyễn với tinh hoa nghề Việt, Sắc hoa trong cung đình Huế, Rồng – Phượng trên bảo vật triều Nguyễn, Thờ đạo mẫu trong văn hóa cung đình, Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn…

 

“Dấu xưa” ở cung Diên Thọ

Điện Long An là một trong những công trình kiến trúc cung đình đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, ngay trong công chúng Huế, nhiều người vẫn chưa biết đây là điểm trưng bày chính của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và luôn rộng cửa đón khách tham quan là người dân địa phương. Thay đổi cách nhìn đó, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng. Trong đó, quan tâm, ưu tiên những hoạt động hướng về các em học sinh ở những địa phương có công trình di tích Cố đô Huế đứng chân, hoặc những địa phương vùng sâu, vùng xa, các em nhỏ ít có cơ hội tham quan di tích. Hàng năm, vào dịp hè hoặc những ngày kỷ niệm trong ngành bảo tàng, sân vườn quanh điện Long An lại được tổ chức thành không gian để các bạn nhỏ vẽ tranh về di sản Huế, trải nghiệm các trò chơi cung đình. Trong mỗi hoạt động ấy, phần luôn được các em háo hức đón nhận là tham quan và hỏi đủ thứ chuyện liên quan đến những hiện vật được nhìn thấy và các những vị chủ nhân sử dụng hiện vật ấy trong quá khứ.

Trong tương lai, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sẽ xây dựng một không gian sinh hoạt cộng đồng. Đây sẽ là không gian để Bảo tàng thu hẹp khoảng cách với công chúng, cũng như đưa di sản văn hóa cung đình Huế gần hơn với cuộc sống đương đại.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN