Doanh nghiệp cần chung tay chống lại ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: VTC News

Ý tưởng này nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh và khích lệ triển khai, nhất là khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân tích rằng, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến 90% dân số thế giới. Tuyên bố chính thức biến vấn nạn trở thành ưu tiên y tế quan trọng, đòi hỏi phải có hành động phối hợp của cả khu vực công và tư.

Theo đó, chất lượng không khí kém có tác động rất xấu đến các nền kinh tế, nhiều khả năng dẫn đến mức phí tổn có giá trị hàng nghìn tỷ USD. Đặc biệt phải kể đến hậu quả trong quá trình chăm sóc sức khỏe và giảm năng suất lao động. Dự đoán đến năm 2060, số người tử vong sớm do tác hại của ô nhiễm không khí trên toàn cầu sẽ chạm ngưỡng 9 triệu người, tăng cao so với mức 3 triệu người của năm 2010.

Một số lĩnh vực chịu hậu quả nghiêm trọng hơn có thể kể đến là ô nhiễm gây mất năng suất cây trồng, giảm mức điện thu được bởi các tấm pin năng lượng mặt trời và sự chững lại của du lịch quốc tế. Các thành phố chịu mức độ ô nhiễm cao như New Delhi (Ấn Độ) sẽ đối mặt với vấn đề chảy máu chất xám, khi nhân tài sẽ chọn chuyển đến những thành phố khác, đất nước khác có chất lượng không khí tốt hơn.

Tuy nhiên, bằng cách thúc đẩy sự cấp bách trong hành động đối phó với ô nhiễm không khí, các doanh nghiệp có thể trở thành người dẫn đầu đoàn đua thông qua công tác nâng cao nhận thức của cả công, nhân viên và khách hàng, cùng lúc tích cực giảm khí thải trong khâu sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Khu vực tư nhân cũng có thể hỗ trợ đổi mới trong công nghệ năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm bền vững và đổi mới trong giải pháp không khí sạch. Sau khi khảo sát các doanh nghiệp, Forbes chỉ ra rằng có đến 88% các doanh nghiệp được hỏi muốn tạo nên những thương hiệu tốt cho môi trường.

Hiện nay, một số doanh nghiệp, công ty lớn đã bắt đầu tham gia vào chiến dịch hành động chống lại ô nhiễm không khí. Cụ thể, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới IKEA sử dụng bã rơm làm nguyên liệu chính cho bộ sưu tập FORANDRING. Ý tưởng này cung cấp giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề hằng năm, nông dân Tây Bắc Ấn Độ (đốt khoảng 39 triệu tấn rơm rạ để dọn đồng, chuẩn bị mùa vụ mới). Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm không khí giảm đi đáng kể. Từ một loại phế phẩm cũng trở thành sản phẩm quý giá hơn.

Nhận thấy tầm quan trọng trong hợp tác giữa các doanh nghiệp, xã hội dân sự và chính phủ, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ đang khuyến khích các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước này cam kết giảm ô nhiễm không khí. Tương tác thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách sẽ thúc đẩy quá trình tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi ô nhiễm không khí, từ đó lên phương án phát triển hoạt động phù hợp nhưng vẫn đảm bảo về môi trường.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ World Economic Forum)