Logo của Facebook, Google và Twitter - Ảnh: REUTERS
Chính phủ các nước trong khu vực rất xem trọng vấn đề này vì họ đang dựa vào nền kinh tế số để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới. Trong khi đó, các công ty công nghệ cũng nhắm đến 641 triệu cư dân yêu thích mạng xã hội của khu vực Đông Nam Á là thị trường phát triển trọng yếu.
Thay đổi chính sách thuế
Gần đây, Indonesia đã bắt tay cùng chính phủ một số nước trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan và Philippines trong nỗ lực siết chặt quản lý nội dung trực tuyến và thuế. Theo đó, các nước này đã yêu cầu những gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook và các công ty khác tăng cường kiểm duyệt nội dung và thay đổi chính sách thuế.
"Cùng nhau, chúng tôi là 80% của khu vực" - Bộ trưởng truyền thông Indonesia Rudiantara khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết với Hãng tin Reuters.
Indonesia đã soạn sẵn một đạo luật yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ trực tuyến phải đóng thuế giá trị gia tăng trong các hoạt động mua bán tại nước này, ngay cả khi hàng hóa được đặt mua ở ngoài nước. South China Morning Post cho biết đạo luật này cũng liên quan đến các nền tảng thương mại điện tử như các công ty Bukalapak và Tokopedia được Alibaba chống lưng.
Đây là một bước đi tiếp nối thành công trước đó của Indonesia khi buộc được Google đóng thuế doanh thu quảng cáo liên quan đến các sản phẩm của nước này được đặt hàng ở Singapore.
Cả Singapore và Indonesia đều đã có kế hoạch áp thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) lên các công ty nước ngoài đang cung cấp dịch vụ số hóa trên nền tảng Internet (OTT). Ngoài ra các quốc gia Đông Nam Á cũng đang ngồi lại với nhau để bàn về một nỗ lực toàn khu vực liên quan đến áp thuế GST.
Thái Lan cũng thúc giục các nước trong khu vực thảo luận cách để yêu cầu các công ty cung cấp OTT "đóng góp kinh tế" bằng hình thức thuế hoặc phí.
"Mất thu nhập cũng là một vấn đề, do đó chúng tôi đang yêu cầu họ hợp tác trong vấn đề này" - Tổng thư ký Ủy ban Viễn thông, phát thanh và truyền hình quốc gia Thái Lan Takorn Tantasith cho biết.
Kiểm duyệt tin giả
Mặt khác, vào ngày 25-9, 2 tháng sau khi Thái Lan đề xuất các công ty công nghệ thành lập các trung tâm chống tin giả tại mỗi nước thành viên ASEAN, nước này đã tuyên bố mở trung tâm chống tin giả đầu tiên tại Bangkok vào đầu tháng 11 tới.
Tờ Straits Times cho biết mục đích của trung tâm này là khoanh vùng các thông tin nghi là giả, kiểm chứng và công bố thông tin chính xác cho công chúng thông qua các trang web và các ứng dụng như Facebook và Line trong vòng hai giờ.
Bên cạnh đó, Hội đồng các nhà quản lý viễn thông ASEAN đã chấp nhận đề xuất của Thái Lan. Một nguồn tin nói với Reuters rằng các hướng dẫn thực hiện đề xuất có thể được chính thức đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11 năm nay ở Bangkok.
Ông Rudiantara cho biết ông đã thuyết phục được các mạng xã hội Telegram và Tik-Tok thành lập các đội kiểm duyệt nội dung tại nước này. Ông Rudiantara nói ông sẽ cấm bất kỳ nền tảng xã hội nào nếu nó không đáp ứng được 3 yêu cầu do chính phủ ông đặt ra về kiểm duyệt thông tin giả.
Ngoài ra, Indonesia cũng đề xuất với các nước láng giềng thành lập một kênh chia sẻ thông tin với các công ty công nghệ.
Đề xuất trên của Thái Lan nhằm đảm bảo các công ty công nghệ phải có hành động nhanh chóng để giải quyết các thông tin giả và các tài khoản giả. Các quan chức Campuchia, Indonesia và Philippines nói với Reuters rằng họ ủng hộ kế hoạch về một trung tâm xác minh tin tức, khẳng định tin giả là mối quan tâm cốt lõi của mỗi quốc gia.
Dù vậy, Reuters cho biết 3 giám đốc điều hành tại các công ty công nghệ được nhắm đến nói rằng họ không tin ý tưởng này sẽ hiệu quả, một phần là vì nó liên quan đến các công ty hoạt động trên toàn cầu.
Facebook, Line, Amazon, Netflix và Walt Disney nằm trong số những công ty công nghệ tham dự cuộc họp có sự đề xuất của Thái Lan hồi tháng 8. Tuy nhiên, theo Reuters, Google và Netflix đã từ chối bình luận về vấn đề này trong khi Amazon, Facebook, Line và Walt Disney vẫn chưa phản ứng gì về đề xuất trên.
Facebook, Twitter và YouTube đều có chính sách quy định những nội dung được hiển thị trên nền tảng của họ. Các nền tảng này cũng thường chặn các tài khoản giả mạo, các hành vi lừa đảo và ngôn từ kích động sự thù hận. Tuy nhiên các thông tin giả thường không được kiểm duyệt. |
Theo Tuoitre