Đồ uống có đường có liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm mạn tính khác. Ảnh minh hoạ: VTV
Theo tin từ The Nation, Bộ Y tế Thái Lan bày tỏ hy vọng rằng sức khỏe của người dân nước này sẽ được cải thiện sau khi chính phủ tăng thuế đối với đồ uống có đường, song song với việc phát động các chiến dịch giáo dục cộng đồng kêu gọi mọi người giảm tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống cực kỳ ngọt.
Cụ thể, mức thuế đối với đồ uống có đường sẽ đang sẽ tăng gấp 3 lần, từ 1 Baht/lít hiện nay lên 3 Baht/lít. Theo lộ trình tăng thuế, sau 2 năm nữa, thuế sẽ tiếp tục tăng lên thành 5 Baht/lít.
Tổng giám đốc Sở Y tế Panphimon Wipulakorn tiết lộ rằng, số người Thái nghiện nước ngọt đang tăng liên tục, buộc nhiều ngành phải tìm cách giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Tháng 9/2017, chính phủ Thái Lan bắt đầu tăng thuế đối với các loại đồ uống có hàm lượng đường cao và mức thuế này tiếp tục tăng lần nữa từ ngày 1/10 năm nay. Chính sách thuế đối các loại nước ngọt này có thể sẽ còn nhiều lần tăng vọt hơn nữa nếu các nhà sản xuất không giảm hàm lượng đường trong đồ uống hiện nay, bà Wipulakorn cho biết.
Theo bà Wipulakorn, các mục tiêu chính của việc đánh thuế cao hơn đối với đồ uống có đường là nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất và nhập khẩu đồ uống điều chỉnh công thức sản xuất hoặc tạo ra các sản phẩm thay thế lành mạnh với lượng đường thích hợp ở mức 6 gram/100 ml nước giải khát; tăng nguồn thu cho ngân sách chính phủ; giảm tiêu thụ đồ uống có đường của người dân, đồng thời nhằm làm giảm các bệnh không lây nhiễm mãn tính và các vấn đề răng miệng của người dân Thái.
Kết quả một khảo sát quốc gia về tình trạng sức khỏe răng miệng của Cục Y tế Công cộng về Nha khoa của Thái Lan cho thấy, xu hướng gia tăng của các vấn đề sức khỏe – nhất là vấn đề thừa cân và béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm mãn tính (trong đó có các vấn đề về răng miệng), trùng với sự phổ biến ngày càng tăng của các loại đồ uống có đường.
Theo thống kê trong năm 2014, khoảng 37,5% người dân Thái Lan trên 15 tuổi bị thừa cân và mắc bệnh béo phì. Bộ Y tế nước này cũng đang soạn thảo một đạo luật để loại bỏ đường khỏi các sản phẩm thực phẩm trẻ em, nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em nghiện thức ăn ngọt.
BẢO NGHI (Lược dịch từ The Nation)