Thầy Sơn hướng dẫn các em đọc sách báo rèn luyện kỹ năng
Mới đây, câu chuyện cô bé Ô Xin trở thành bác sĩ tiếp tục lan truyền. Cái tên nghèo khó cho một số phận nay cũng đã không còn theo em khi đã được đổi thành Trần Thị Nam Phương, là 1 trong 25 sinh viên ngành y khoa đạt kết quả học tập xuất sắc toàn khóa, Phương được giữ lại làm giảng viên bộ môn giải phẫu bệnh của Trường đại học Y dược Huế.
Ô Xin ngày nào nay đã trở thành bác sĩ Nam Phương và nhận thầy Sơn làm cha đỡ đầu
Trải lòng về câu chuyện của Ô Xin trong chuyên mục “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi Trẻ, anh làm bao người rơi nước mắt. Sau đó, Ô Xin nhận được sự hỗ trợ, động viên, giúp đỡ từ nhiều tấm lòng để chữa bệnh. Đúng năm ấy, em đậu một lúc hai trường: Đại học Y dược Huế và Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Em đã chọn Y dược để thực hiện ước mơ chữa bệnh cho mình và người nghèo. Những ngày tháng lên Huế trọ học, thầy Sơn trở thành người bạn đồng hành giúp em vượt qua những khó khăn để chiến thắng bệnh tật và để cô sinh viên nghèo khó phần nào vững bước chân đến giảng đường.
Thầy Sơn và học trò của mình nhận giải thưởng Bạn tôi- người vượt khó
Tôi khá bất ngờ khi biết thầy Sơn là giáo viên dạy toán, nhưng có thể viết những bài báo làm lay động lòng người như thế. Nhờ những bài viết của thầy, nhiều học trò nghèo được nhận học bổng để tiếp tục được đến trường. Tất cả những nhân vật thầy giới thiệu đều đạt tiêu chí, bởi thầy hiểu rõ ý nghĩa của những suất học bổng là phao cứu sinh cho học trò nghèo. Thầy Lê Triều Sơn là tác giả duy nhất ở Huế được vinh danh trong chương trình học bổng - giải thưởng “Bạn tôi - Người vượt khó”. Bởi, có đến 6 học sinh ở Thừa Thiên Huế được xét chọn học bổng do thầy giới thiệu.
Bao năm rồi tôi vẫn không quên câu chuyện của cô học trò nghèo ở trường anh. Nhân vật “Bán vé số đổi bút sách” kể về cô bé Nguyễn Thị Như Quỳnh. Nhà em có đến 6 anh em, bố đau ốm, các con lại học hành rất giỏi nên cả bốn mẹ con đều bán vé số để mưu sinh và để có tiền mua bút, sách đến trường.
Hình ảnh cô bé Quỳnh ở tuổi 17, đôi dép cũ kỹ mòn đến gót chân bước gấp, trên tay em cầm tập vé số khiến không ít người thương cảm. Quỳnh bảo với thầy, mới đầu khi đi bán vé số dạo em thấy mặc cảm và xấu hổ. Lên lớp bị bạn bè trêu chọc, tủi thân nhưng sợ mẹ buồn nên vẫn cứ miệt mài công việc.
Thầy Sơn đã đến với Quỳnh đúng lúc, suất học bổng được trao cho em như ngụm nước quý giá cứu khát người bộ hành giữa sa mạc. Thầy giúp em hiểu rằng, mỗi người phải biết trân quý những đồng tiền kiếm được từ giọt mồ hôi đổ xuống… “Tấm gương người thật việc thật đầy nghị lực của Như Quỳnh là một giáo án sinh động trong việc giáo dục nhân cách, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh”, thầy Sơn chia sẻ. Giờ Quỳnh tỏa sáng như đóa hoa khi em đang là giảng viên của Trường cao đẳng trong thành phố.
Mỗi lần gặp anh, tôi vẫn thích nghe anh kể chuyện. Kể về gia cảnh các em, anh đều hỏi, chuyện buồn quá phải không? Buồn, xót xa nhưng cái kết của các câu chuyện đều có hậu. Có thể các em cũng sẽ tự đi được, tự vào được đại học như cách các em từng đi qua 12 năm phổ thông, nhưng hành trình sẽ bớt nhọc nhằn hơn nếu có một bàn tay chìa ra đúng lúc và kịp thời.
Những đứa học trò được thầy Sơn sẻ chia đều nghèo lắm, song niềm khát khao đến trường trở thành động lực để các em quyết tâm học giỏi. Tôi đã ngồi lặng đi khi anh nhắc đến một gia đình nghèo đông con ở một ngôi làng nằm trong thành phố. Cả ba chị em đều đậu đại học cùng một năm với số điểm cao, nhưng gia cảnh khó khăn quá không thể đi học cùng lúc được. Cô chị là Võ Thị Huệ đã phải làm đủ nghề để kiếm sống, nuôi em và ước mơ trở thành giáo viên vẫn luôn cháy bỏng khi em đạt điểm cao ở Trường ĐH Sư phạm Huế.
Anh đã gửi câu chuyện này đi khắp nơi sau khi nghe lời tâm sự thắt ruột của cô học trò: “Em không muốn bỏ học lần nữa, thầy ơi!” Khi nghe tôi báo tin có học bổng “Tiếp sức đến trường”, cả ba chị em mừng lắm. Dù vậy, Huệ vẫn tính với tôi rằng nếu không đủ tiền sẽ đi làm để hai đứa em nhập học trước. Dẫu muộn, nhưng chắc chắn em cũng gắng học xong đại học. Huệ nói với quyết tâm cao: “Nhất định em sẽ trở thành cô giáo. Em yêu nghề này và em sẽ tiếp tục giúp những em nhỏ có hoàn cảnh như mình", thầy Sơn nhắc về cô học trò cũ đầy nghị lực.
Thuộc thế hệ đầu 7x, thầy Sơn về dạy ở Trường THPT Gia Hội năm 1994. Khởi đầu anh làm Bí thư Đoàn trường và trong vai trò này anh đã góp phần không nhỏ vào các phong trào tuổi trẻ làm thay đổi không khí sinh hoạt cộng đồng của Đoàn trường. Nhiều phụ huynh của trường xúc động khi nói về người thầy của con mình … “Thầy làm chúng tôi vững tin khi con em mình luôn được nhà trường, xã hội cưu mang, đùm bọc”.
Thầy Sơn thường quan tâm và gần gũi với học sinh
Khi làm công tác quản lý, thầy vẫn giữ phong cách gần gũi, thân thiện. Dù bận rộn, thầy vẫn luôn tìm hiểu thấu đáo về hoàn cảnh của các em để cùng các em vượt khó. Với quan niệm, học trò thành công là học trò có kỹ năng sống tốt chứ không phải có bảng điểm đẹp. Vì thế, thầy luôn tập trung trang bị kỹ năng sống cho học sinh qua các buổi hội trại, sinh hoạt chuyên đề.
Tôi lưỡng lự mãi rồi cũng hỏi, anh lấy đâu ra tiền mà giúp các bạn nghèo nhiều vậy. Bằng chứng là anh nổi tiếng trong giới học trò, khi hễ có bạn nào gia đình rơi vào cảnh bi đát, chúng lại “mách nước’’ đến tìm thầy Sơn. Anh cười phân bua, tôi không giàu có mô, chỉ có điều ngày xưa ba tôi là giáo viên dạy môn ngữ văn Trường THPT Gia Hội. Ông được nhiều học trò quý mến nên có rất nhiều cựu học sinh trưởng thành đồng hành cùng chúng tôi giúp đỡ học sinh nghèo.
Ngồi hơn một giờ đồng hồ mà điện thoại thầy cứ reo liên tục. Tôi không biết đầu dây bên kia cô học trò thông báo điều gì nhưng thầy cười mãn nguyện. Nhân vật có liên quan đến câu chuyện góp gạch xây nhà tạm cho bạn vừa gọi về báo tin vui, thầy Sơn thông tin. Đó là Hà Mỹ Ngọc, cô bé sống trong căn nhà do nhà trường phát động đã trúng tuyển vào Trường đại học Sư phạm Huế ngành toán với tổng số điểm 31. Ngọc đã được nhà trường và bè bạn quan tâm giúp đỡ. Lời hứa của em ngày nào nay đã thành hiện thực “Em phải học thật tốt để khỏi phụ lòng thầy cô, bè bạn và cha mẹ”.
Tình cờ đọc được facebook của một số cựu học sinh Gia Hội thật xúc động khi nghe các em chia sẻ, nếu được kể về dấu ấn của đời mình, các em sẽ viết về thầy Lê Triều Sơn. Đó là một người thầy, người cha đáng kính và là một người anh trai, người bạn thân thiết khi các em gặp khó khăn. Học trò của thầy Sơn đã viết: "Cảm ơn thầy của chúng con, người đi xa ai cũng nhớ, cũng thương và trong tâm trí luôn mong ngày trở về bên thầy xưa, lớp cũ…"
Nội dung: THU HUẾ - Ảnh: Nhân vật cung cấp, LY LY
Thiết kế: QUANG THIỀU