"Căn bệnh" trong tổ chức Đảng

Trong hội nghị phổ biến Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập cụm từ “tư duy nhiệm kỳ”. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất đề cập và được coi như một căn bệnh tệ nạn trong tổ chức Đảng, đảng viên. Đến Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), tư duy nhiệm kỳ được đưa vào nghị quyết, là 1 trong 29 biểu hiện của “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”.

Cuối nhiệm kỳ, có nhiều người muốn để lại công trình, việc làm có ý nghĩa tạo dấu ấn, nhưng không ít người tranh thủ giai đoạn này để vơ vét, trục lợi bất chấp những quy định và pháp luật của Đảng, Nhà nước. Dư luận cán bộ, Nhân dân bức xúc trước tiêu cực của một bộ phận cán bộ lãnh đạo với những biểu hiện đa dạng, tinh vi nhằm thu vén cho bản thân và nhóm lợi ích. Biểu hiện rõ nhất là trong các khâu lập quy hoạch, kế hoạch đã bộc lộ sự dễ dãi, chất lượng thấp, không gắn với thực tế, theo chỉ đạo của cá nhân. Đây cũng là nguồn gốc của đầu tư công thiếu trách nhiệm, lạm quyền, chỉ định thầu không đúng điều kiện, làm trái nguyên tắc quy định. Những dự án đầu tư được đề xuất hoặc phê duyệt dễ dàng, đội vốn, chi vượt mức, không qua đấu giá… nhằm được trích phần trăm hậu hĩnh, bất chấp hậu quả. Có những dự án biết chắc chắn không mang lại hiệu quả, nhưng cũng lập kế hoạch xin ngân sách, để phân chia phần trăm sau hậu trường mà lâu nay dân chúng hay mỉa mai về tệ nạn “lại quả”. Vào cuối nhiệm kỳ, Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng) đã chỉ đạo quyết liệt bán sân vận động Chi Lăng, hàng chục nhà công sản, những lô đất vàng cũng là điều cho thấy rõ nguồn lợi của những khoản được lại quả.

Những dự án, kế hoạch lớn hay nhỏ phụ thuộc vào ý chí của những lãnh đạo khi bước vào năm tháng cuối nhiệm kỳ. Không ít lãnh đạo “quan tâm” quá mức để đôn đốc hoàn thành công trình, dự án trước khi nghỉ không ngoài mục đích là được hưởng trích phần trăm từ đối tác. Mới đây, kết luận về vụ Mobifone mua lại 95% AVG là một trong những kiểu làm ăn như vậy. Khoan đặt vấn đề trị giá thất thoát kinh khủng nếu không kịp ngăn chặn, chỉ nói riêng về chỉ đạo hoàn tất sớm trong nhiệm kỳ của cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son là một ví dụ điển hình. Trước khi hết nhiệm kỳ 4 tháng, ông ta đã chỉ đạo chạy đua cho kịp thời gian hoàn tất thương vụ, mặc dù chưa có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Ba triệu USD đã nhận hối lộ dù có thỏa thuận trước hay không thì hiểu ngầm giữa Nguyễn Bắc Son, Phạm Nhật Vũ đã thành mặc định. Sắp tới đây, những thương vụ động trời ở Cảng Quy Nhơn (Bình Định), quy hoạch Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) hay khuất tất trong các dự án ở nhiều ngành, địa phương sẽ được làm rõ. Nhưng rõ ràng là những người chỉ đạo hoặc quyết định đều làm liều, bất chấp tất cả nhằm trục lợi vào cuối nhiệm kỳ.

Ai trên "chuyến tàu vét"?

 Bàn đến “chuyến tàu vét” cuối nhiệm kỳ, không thể là nhân viên bình thường mà phải là những người có đủ thẩm quyền, nói chính xác là những người đứng đầu trong các cơ quan, doanh nghiệp có nguồn ngân sách, vốn cổ phần Nhà nước. Khi thời gian tại vị không còn bao nhiêu, nhiều người gấp rút toan tính, vơ vét trong phạm vi quyền hạn có thể. Người đi trước làm được và hạ cánh an toàn thì người kế nhiệm "noi theo".

Một thời gian dài do cơ chế lỏng lẻo, thiếu thanh tra, kiểm soát, lại bị chi phối của lợi ích nhóm đã để cho một bộ phận cán bộ có quyền tung hoành, sai phạm nghiêm trọng. Tuy dư luận có rộ lên nhưng họ vẫn bình yên hạ cánh, tạo tâm lý cho người kế tục làm liều, “điếc không sợ súng”. Lãnh đạo đã nghỉ hưu đồng nghĩa với xóa hết trách nhiệm, ôm một đống vật chất ung dung hưởng thụ mà không bị pháp luật "sờ gáy".

Trách nhiệm của tổ chức Đảng

Hiện nay, Đảng ta đã ban hành Quy định 102 về xử lý đảng viên vi phạm, trong đó kỷ luật nghiêm những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật đã xảy khi còn tại chức đã có ý nghĩa răn đe tích cực. Với tính chất quyết liệt, bất kể thời gian, không có vùng cấm là chế tài mạnh trong chỉ đạo, nhưng liệu rằng có hạn chế được nạn tham nhũng, tiêu cực vào cuối nhiệm kỳ?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Có người thiếu thốn gì đâu mà sao tham thế, chưa làm được gì mà đã đòi chấm mút. Nói nhỏ là chấm mút, nói to là vi phạm pháp luật, bất chấp cả pháp luật. Không còn xứng đáng là đảng viên…”. Đó cũng là cảnh tỉnh với những cán bộ thiếu bản lĩnh vào cuối nhiệm kỳ, nhưng cũng xác định trách nhiệm của tổ chức trong việc kiểm soát cuối nhiệm kỳ. Chúng ta không đánh đồng với những cán bộ lãnh đạo có tâm, liêm khiết, giữ trong sạch đến năm tháng cuối cùng, nhưng cũng không thể để lỏng lẻo, tạo môi trường cho tiêu cực nổi lên.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH