Bài 2: Ca Huế
Tính thống nhất đó còn được chứng minh qua hệ thống thang âm-giọng điệu, tức là cơ sở của ngôn ngữ âm nhạc mang tính thuần nhất một cách cơ bản, qua hệ thống nhạc khí, tức là một phương tiện chủ yếu để diễn đạt nội dung âm nhạc có tính phổ biến một cách quán xuyến trên toàn đất nước…

Ca Huế trong Đại Nội xưa
 
Âm nhạc Huế xuất hiện- trong bức tranh toàn cảnh của nền văn hóa âm nhạc Việt nam thống nhất - như một mảng màu sắc đặc biệt, chứa đựng những chất tinh tuý nhất của phong cách miền Trung. Cũng phải lại hiểu rằng, tư "nhạc Huế" ở đây không phải chỉ để nói tới thứ âm nhạc lưu hành trong phạm vi cố đô hay trong phạm vi tỉnh Thừa Thiên cũ. Nói đến nhạc Huế, người ta thường liên hệ đến một phong cách âm nhạc mà phạm vi ảnh hưởng bao quát cả Quảnng Trị và Quảng Bình phiá ngoài cũng như Quảng Nam, Quảng Ngãi phiá trong.
  
Nhạc Huế mang sắc thái địa phương rõ rệt, đó là điều không ai bàn cãi, nhưng nhạc Huế lại không phải là một thứ âm nhạc địa phương, đó là điều cần làm sáng tỏ. Không cần nhắc tới khiá cạnh: do hoàn cảnh lịch sử, nhạc Huế - qua thành phần nhạc lễ và cung đình của nó - đã một thời gian khá dài đóng vai trò "quốc nhạc" dưới các triều đại phong kiến nhà Nguyễn.
 
Ai cũng biết, dưới thời thuộc Pháp, tức là thời mà nhạc Huế không còn cái thế đứng ra làm mẫu mực cho cả nước noi theo, làm trọng tài cho âm nhạc hai miền Bắc Nam với danh nghĩa tiêu biểu cho "quốc nhạc", chỉ do chất lượng nghệ thuật của mình, nhạc Huế vẫn chinh phục được một quần chúng hâm mộ rộng rãi, được sử dụng phổ biến ở các tỉnh phiá Bắc và Nam.
 
 
Trong một show diễn ca Huế
 
Và ở những nơi này, không phải chỉ có vấn đề thưởng thức nhạc Huế như một đặc sản có hương vị lạ từ nơi khácđem đến, mà người ta còn thấy hiện tượng nhạc Huế thâm nhập vào nhạc Bắc, ảnh hưởng trở lại làm giàu có thêm cội nguồn miền Bắc, đồng thời khi đi sâu vào Nam, nó lại đã đóng góp những nhân tố quan trọng, từ đó đã nảy sinh và hình thành cái được xem là phong cách đặc thù của âm nhạc miền Nam.

Nếu nói về gốc gác lịch sử, có lẽ không ai phủ nhận nhạc Huế đã khởi sự hình thành từ cội nguồn nhạc Bắc. Những cứ liệu lịch sử từ thời Nguyễn Hoàng vào xã Ái Tử (Quảng Trị) hay câu chuyện Ðào Duy Từ , cho thấy: trên đà mở nước vào phía Nam, văn học nghệ thuật nơi đất Tổ lưu vực sông Hồng đã từ mấy thế kỷ vượt qua sông Gianh và Bến Hải. Lại có thể lấy chứng cớ khác ngay trong bản thân nhạc Huế: những "bản Bắc", còn mang một cái tên có ý nghĩa nữa là những "bản Ngự", với tính chất một thành phần cơ sở của nhạc Huế, đã vừa nói lên cái xuất xứ cũng như cái mối quan hệ khăng khít với nhạc Bắc...
 
Do hoàn cảnh địa lý, với những bãi biển, đồi cát mênh mông, với sông Hương núi Ngự dễ để con người xúc cảnh sinh tình, hay là do những điều kiện kinh tế khắc nghiệt nhiều hơn là thuận lợi, đã buộc con người , bằng mọi cách, kể cả cách dùng phương tiện nghệ thuật, vươn lên chống chọi với thiên nhiên, kiếm tìm cuộc sống ấm no hơn ?
 
Do những dấu giọng đặc thù trong tiếng nói, uyển chuyển tinh vi, những cái "tiểu dị" thực đáng yêu trong cái "đại đồng" của tiếng nói chung dân tộc, hay là do chính ở đây, nơi mũi nhọn tiếp xúc với nền văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc dân tộc Chăm đã có thời đạt tới những đỉnh cao rực rỡ, sự giao lưu đã làm nảy sinh những sáng tạo đột biến?
 
Cũng có thể là tất cả những yếu tố khách quan đó, với những tỉ lệ khác nhau, đã tác động đến óc sáng tạo nghệ thuật con người bản địa, và kết quả là chúng ta có một hệ thống những âm điệu, giọng điệu, những thể loại mới mẻ so với cái vốn cổ truyền từ Bắc đem vào, tạo nên cái thường được gọi là phong cách "Huế", phong cách "miền Trung", hay nói gọn là "nhạc Huế".
Còn tiếp
ĐD(theo Nhạc Việt)