Nguồn cung thịt lợn sẽ không quá căng thẳng
Chỉ giảm đàn ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Hộ gia đình bà Cao Ngọc Sương, thôn 5, xã Điền Hải (Phong Điền) mỗi năm đều nuôi vài ba lứa lợn, mỗi chuồng từ 2-3 con. Tuy nhiên từ khi trên địa bàn xảy ra dịch, gia đình bà không tiếp tục nuôi vì lo ngại lợn nuôi bị “dính” bệnh. Trong thôn, các hộ có chăn nuôi lợn trước đây cũng khá dè dặt khi nuôi, chỉ trừ những hộ có lợn nái đẻ, còn lại hầu như ít tái đàn. Thay vì nuôi lợn, các hộ này đều chuyển hướng sang nuôi gà, vịt... để có thêm thu nhập.Việc các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hạn chế nuôi cũng ảnh hưởng đến tổng đàn nuôi.
Tại Quảng Điền, quy mô tổng đàn sụt giảm khá lớn trong thời gian dịch bùng phát. Hiện toàn huyện có 20.500 con (chưa kể lợn con theo mẹ), trong khi tổng đàn đầu năm 2019 là 32.000 con. Số lượng tổng đàn giảm sút chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Riêng vùng chăn nuôi tập trung ở khu vực rú cát vẫn đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh, sử dụng nguồn con giống tại chỗ nên vẫn đảm bảo duy trì tổng đàn. Chỉ tính riêng khu vực rú cát 3 xã Quảng Vinh, Quảng Lợi, Quảng Thái, tổng đàn đạt trên 12.000 con.
Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Điền thừa nhận, khả năng thiếu nguồn cung thịt lợn dịp tết vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, sẽ không quá căng thẳng khi các hộ nuôi đang ngày càng nhận thức rõ hơn về công tác phòng chống dịch. Việc duy trì và tăng đàn ở các trang trại lớn đảm bảo an toàn dịch bệnh vẫn rất khả quan. Số lượng lợn phát bệnh và tiêu hủy thời gian qua đã giảm khá rõ so với trước đó.
Dự báo, nguồn cung thịt lợn dịp tết không quá căng thẳng (Trong ảnh: Lực lượng thú y tiêu độc khử trùng để phòng dịch cho lợn)
Cơ sở chăn nuôi Vĩnh Huệ xã Phú Sơn là một ví dụ. Trong khi những hộ nuôi nhỏ lẻ phải giảm đàn, bán tháo lợn khi dịch lây lan, thì trang trại này vẫn duy trì tổng đàn 100 lợn thịt và 20 lợn nái đẻ. Cùng với đảm bảo chăn nuôi, gia đình duy trì chăn nuôi theo hướng an toàn, hạn chế người ra vào trang trại…
Nguồn cung dịp tết sẽ đảm bảo
Trên địa bàn tỉnh có 21 xã có bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới, gồm: Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Bằng (TX. Hương Thủy; Hương Sơ, Vỹ Dạ, Thuận Hòa, Phú Thuận, Kim Long (TP. Huế); Phú Thuận (Phú Vang); Hương Phong, Hồng Quảng, Hồng Hạ, Hương Nguyên (A Lưới); Xuân Lộc, Vinh Giang, Lộc Bình, Lộc Thủy, Vinh Hiền, Vinh Hưng (Phú Lộc); Hương Hòa, Hương Lộc (Nam Đông). |
Số lượng thống kê của ngành nông nghiệp đến tháng 8/2019, tổng đàn lợn trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn khoảng 150.000 con, giảm 50.000 con so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hưng, số liệu trên chưa bao gồm lợn con theo mẹ. Nếu theo kết quả kiểm tra của ngành, đến nay, con số tổng đàn vẫn đang ở mức 190.000 con (bao gồm lợn con theo mẹ).
Trước mối lo thiếu nguồn cung lợn từ nay đến cuối năm trên địa bàn tỉnh, ông Hưng khẳng định, nguồn cung lợn tại địa bàn sẽ không thiếu, vì bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra ở những cơ sở nuôi không bảo đảm điều kiện an toàn sinh học.
Hiện, tình hình dịch tả lợn châu Phi đã có xu hướng giảm. Các địa phương cũng đang củng cố và tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn hơn. Nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch tả lợn châu Phi bắt đầu hình thành và nhân rộng như mô hình chăn nuôi lợn của Tập đoàn Quế Lâm, chăn nuôi VietGAP tại Hương Thủy, các trang trại liên kết CP…
Ngoài ra, giá thịt lợn trên địa bàn vẫn đang duy trì ở mức cao, từ 40-42 ngàn đồng/kg. Đây là tín hiệu đáng mừng để người chăn nuôi tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống dịch, phát triển đàn lợn.
Theo ông Hưng, ngay từ đầu năm, ngành chăn nuôi đã bắt đầu có những bước chuyển biến trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững. Song song với việc phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chăn nuôi cũng đang cân đối nguồn cung thịt lợn với các loại thịt gia cầm, thịt bò…, nhập lợn từ các địa phương…Vì thế, nguồn cung thịt lợn trong dịp tết sẽ không quá căng thẳng.
Bài, ảnh: Hoàng Loan