Chuẩn bị nghỉ hưu là giai đoạn cuối quá trình làm việc nhiều năm của cán bộ các cấp trong bộ máy Đảng và chính quyền. Theo quy định, người đến tuổi nghỉ hưu sẽ được tổ chức thông báo trước 6 tháng. Đó là thời gian mà nhiều người đến tuổi dự liệu trước cho mình. Không nói ra, nhưng đa số đều có những bộc lộ tâm lý không bình thường, đúng hơn là dễ thủ tiêu tính tích cực lâu nay. Hiện tượng này phần nhiều rơi vào những người có chức, những vị trí có nhiều quyền lực, bổng lộc trong quá trình làm việc. Từ một người đang ở vị trí hô hào nhiều người nghe, nghĩ đến lúc không còn được thể hiện quyền uy cũng có gì đó chạnh lòng. Từ suy nghĩ như vậy nên công việc bê trễ, sao nhãng là khó tránh khỏi. Những chương trình, kế hoạch của cơ quan thay vì suy nghĩ sáng tạo thì nay chỉ còn làm theo hướng dẫn, những việc buộc phải làm. Chương trình dài hơi không được chú trọng đúng mức hoặc không muốn tận tâm, làm hết mình. Trong một lần trả lời chất vấn Quốc hội nhiệm kỳ trước, đã có vị lãnh đạo ngành nói thẳng ra là những nhiệm vụ mới hay hơn để cho người kế nhiệm tiếp tục đề ra mà làm. Thậm chí dù có ý tưởng hay, phương án làm tốt nhưng không muốn đưa ra cho nặng gánh vào thân, làm tốt không được hưởng, làm sai lại gánh hậu họa. Thế là tặc lưỡi, chẳng dại gì ghè đầu vào đá.

Trong quản lý cơ quan, người lãnh đạo sắp về hưu bắt đầu có sự dễ dãi, lỏng lẻo với cấp dưới, có khi còn bỏ mặc cho các hiện tượng tiêu cực. Một phần là để lấy lòng cấp dưới, một phần để có gì đó anh em dễ bề bỏ qua cho những khuất tất cuối đời. Những biểu hiện đó là do tâm lý nhưng cái đáng sợ nhất là bộc lộ căn bệnh cuối nhiệm kỳ chỉ còn lo thu vén cho bản thân, bổ nhiệm người nhà, người thân tạo ê kíp dễ bề ơn huệ sau này.

Loại hiện tượng thứ hai là những lãnh đạo đang còn được quy hoạch, cơ cấu hoặc còn có thời gian dài làm việc. Đây là số “nín thở” dài hơi nhất. Dù có được cơ cấu nhưng cũng chưa biết “phút 89” như thế nào, có được đề bạt hay không khó nói trước. Cho nên im lặng, ngậm miệng chờ thời là cách thức  thượng sách nhất. Đặc điểm chung nhất của nhóm này là sợ không dám làm vì làm sai dễ bị “mất điểm”, bị đánh giá kém năng lực... Những người đang cấp phó hoặc đang được quy hoạch cấp trưởng lại càng thận trọng trong mọi việc. Nếu quá tích cực lại sợ bị đánh giá qua mặt cấp trưởng trực tiếp, lỡ không được ủng hộ giới thiệu thì cũng gay. Trong họp hành xử lý công việc nhiều khi hay có kiểu “nước đôi”, “lựa theo chiều gió”, ít khi dám đưa ra chính kiến dù đó là ý tưởng tích cực, có lợi cho cái chung. Dễ nhận thấy một số vị lãnh đạo khi yên vị ở vị trí cao hơn đã có những chỉ đạo rất hay, nhưng lâu nay khi đang cấp phó không thấy đưa ra trong tập thể lãnh đạo. Nhiều trường hợp cư xử với anh em cấp dưới thường tỏ khiêm nhường, nhã nhặn không ngoài mục đích tranh thủ phiếu bầu ủng hộ. Với những trường hợp cán bộ luân chuyển dù làm được việc nhưng trong mức độ không thể mạnh dạn đề xuất, không dám phản biện vì sợ bị cấp ủy, lãnh đạo tại chỗ nhận xét không có lợi cho cá nhân.

Xét mức độ thì cả hai xu thế tâm lý, biểu hiện nêu trên đều là những biểu hiện của tiêu cực, không phải là quan điểm làm việc vì cái chung. Thực tế nêu trên lại đang tồn tại và trở thành biểu hiện không lành mạnh trong nhiều cơ quan, tổ chức vào thời điểm giao thời cuối nhiệm kỳ. Câu hỏi đặt ra là cấp trên có biết không? Những biểu hiện đó dễ nhận biết nhưng rất khó nói khi đang luẩn quẩn bởi bản tính nể nang trong cư xử của lãnh đạo, của bộ phận tổ chức.

Với trường hợp quy hoạch dài thì càng khó hơn khi bề ngoài họ vẫn tỏ ra làm việc bình thường nên rất khó phê phán, một phần cả nể. Cả 2 xu hướng kiểu đó đã làm cho công tác cán bộ vào cuối nhiệm kỳ dễ bị trì trệ, dễ gây nên bầu không khí thiếu cởi mở trong một số cơ quan. Tuy nhiên, trong bộ máy nhà nước thì mọi hoạt động phải được vận hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ đặt ra. Vấn đề là việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị chắc chắn sẽ khó đạt hiệu quả cao.

NGUYỄN PHƯỚC AN