Thành tựu

Mùa tuyển sinh này, giáo dục A Lưới gây ấn tượng mạnh, khi Đỗ Như Thuần đỗ thủ khoa khối B ngành Bác sĩ Đa khoa Trường đại học Y Dược Huế. Học tiểu học tại A Lưới, lớp 6, Thuần đã thi đỗ vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương, đậu vào Trường THPT chuyên Quốc học. Năm nay, Quốc Học có một em chuyên sinh, Trường Nguyễn Tri Phương cũng đón thêm 4 em đến từ A Lưới và Nam Đông, các em chính là những hạt vàng lấp lánh của giáo dục vùng cao mùa học 2014-2015.
Ông Trần Duy Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT A Lưới cho rằng: “Mức đầu tư cho giáo dục hiện rất được quan tâm, nhiều chương trình, dự án đang được triển khai, trường lớp ngày càng khang trang, sạch, đẹp, thân thiện. Đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp học, ngành học từng bước được bổ sung. Học sinh thuộc diện hộ nghèo đến trường được hỗ trợ chi phí học tập, các cháu 5 tuổi trên địa bàn đều được trợ cấp ăn trưa nên thu hút được trẻ đến trường hơn trước”. Các trường cũng phối hợp làm tốt công tác “3 đủ” nên học sinh đã đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở đến trường. Hiện nay, các cháu 5 tuổi người dân tộc thiểu số đều học trước tiếng Việt, các trường mẫu giáo đã sử dụng bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, tạo nền tảng cho trẻ bước vào lớp 1.
A Lưới có 5 trường THCS, 3 trường TH-THCS, 18 trường tiểu học, 21 trường mầm non, hệ thống này được đầu tư mạnh. Mỗi trường đều có khuôn viên cây xanh, cây cảnh quy hoạch thoáng mát, sạch đẹp, thân thiện, có công trình hợp vệ sinh, bàn ghế đúng quy cách, phù hợp với lứa tuổi, cũng như đều đã đưa các trò chơi dân gian, hát dân ca vào dạy - học. 15/18 trường tiểu học đưa môn tin học vào giảng dạy. 100% trường mầm non tổ chức ăn bán trú và thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Bậc tiểu học bảo đảm 100% học sinh thực hiện đầy đủ 4 quy định, học sinh giỏi, khá tăng nhanh, không còn học sinh kém. Bậc THCS có 45,77% học sinh khá giỏi, không có học sinh kém. Học sinh tốt nghiệp THCS 2 hệ đạt 98,14%. 
Tại Nam Đông, 100% trường học tổ chức dạy môn tin học theo nhiều hình thức; các cháu mầm non đều được tiếp cận với chương trình vui cùng Kidsmart và các phần mềm trò chơi. Hàng năm, giáo dục tiểu học Nam Đông huy động khoảng 99,4% trẻ trong độ tuổi đến trường, riêng học sinh 6 tuổi huy 100%. Giáo dục THCS huy động đạt 96,64% và điều đáng mừng là 100% trường học ở Nam Đông tổ chức dạy 2 buổi/ ngày, một thành tích mà giáo dục miền xuôi khó đạt đến.
 
Sân chơi chất lượng cao: Còn nhiều rào cản
Nói đến chất lượng đỉnh cao, ông Lê Quang Thẩm, Trưởng phòng GD&ĐT Nam Đông vẫn ưu tư. Công tác giáo dục đại trà tạm ổn nhưng học sinh Nam Đông, A Lưới vẫn yếu thế trong những sân chơi trí tuệ đỉnh cao. Học trò Nam Đông có mặt, nhưng giải thì khiêm tốn. Riêng cuộc đua vào trường điểm còn khá xa lạ với phong trào học tập ở miền cao. Cho đến nay, Nam Đông mới có 3 em đậu vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Ông Thẩm cho rằng, học sinh miền núi, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số hiện còn có khá nhiều rào cản trên sân chơi chất lượng cao. Trước hết là tập tục, tiếng nói, sau là điều kiện đến trường.
Hiện nay, toàn ngành giáo dục tập trung thay đổi cơ bản chất lượng đào tạo và trong xu hướng đó, các em học sinh người dân tộc thiểu số thực sự vươn lên. Điều đó cũng chưa tạo ra những bứt phá ngoạn mục như mong muốn. Cách tổ chức trường điểm (trường dân tộc nội trú) cũng đang có manh nha sai đích khi các em khá, giỏi người dân tộc thiểu số của huyện được tuyển chọn vào đây lại ít được giao tiếp bằng tiếng phổ thông hơn các trường thường.
Ở A Lưới, học sinh đậu vào Nguyễn Tri Phương quá ít ỏi, năm trước không có, năm nay 2 em, một người dân tộc và một người Kinh. Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết, năm học vừa qua, toàn tỉnh có 8 em dân tộc thiểu số tham gia thi Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán, tiếng Việt và chỉ có 2 em đạt giải khuyến khích là con số còn quá khiêm tốn so với số lượng học sinh của bậc học
Thầy Nguyễn Phước Bửu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Quốc Học, sau một hồi tra lục cho chúng tôi biết, Quốc Học đang có 2 học sinh hưởng chế độ học sinh người dân tộc thiểu số. Cũng chỉ là gốc gác thôi, các em đều đã theo gia đình xuống Huế từ nhỏ.
HG