Ảnh nhà thơ Tố Hữu chụp năm 1969

Bài thơ được nhà thơ Tố Hữu viết sau bốn ngày "trái tim lớn” ngừng đập (ngày 6 tháng 9 năm 1969) tại Hà Nội. Theo bà Nguyễn Minh Hồng (con gái út của nhà thơ), thì “thời điểm Bác mất, ba tôi không gặp được Bác, bởi lúc đó cũng đang nằm viện. Lúc tim Bác ngừng đập rồi thì mọi người mới báo và ông chạy thẳng từ bệnh viện tới chỗ Bác nằm. Sau đó, ông phải vào bệnh viện lại”. Điều đó cho thấy, bài thơ ra đời trong lúc tác giả đang ốm, và sau buổi chiều "chạy về thăm Bác”; giữa lúc cả dân tộc đang chịu một “tổn thất lớn lao”, và “đau thương vô hạn”, viết trong bối cảnh "đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”; Bởi vậy, sau khi bài thơ xuất hiện trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân…, ngay lập tức đã tạo ra hiệu ứng sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân.

Bài thơ không chỉ là tiếng khóc, tình cảm sâu đậm của nhà thơ với Bác, mà còn là nối tiếc thương vô hạn, lòng biết ơn sâu nặng trước công lao to lớn của Người đối với đất nước, niềm tin sắt son vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang, con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn, và lời hứa thiêng liêng trước những lời Bác dặn trong Di chúc "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất non sông về một mối, sẽ xây dựng đất nước ta "Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của triệu triệu con tim, của cả dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ, trong những ngày tiễn Bác kính yêu đi vào cõi vĩnh hằng.

Di bút của nhà thơ Tố Hữu

Điều đó chắc nhiều người đã biết và cảm nhận hơn thế nữa, nhưng về bút tích bài thơ "Bác ơi" của nhà thơ Tố Hữu thì chưa hẳn ai cũng biết. Bút tích bài thơ này do nhà thơ Tố Hữu viết tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, với đề tựa “Bài thơ Bác ơi viết tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Huế” (Hà Nội 5-4 -1999, kèm theo tấm ảnh chân dung của nhà thơ chụp năm 1969). Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là thời điểm nhà thơ viết tặng bài thơ "Bác ơi", ông cũng vừa bước sang tuổi 79. Chị Lê Thị Kim Yến (Nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, nay đã nghỉ hưu) là người đã đến tại nhà riêng của nhà thơ để nhận tận tay bà Vũ Thị Thanh (vợ nhà thơ) bản bút tích bài thơ "Bác ơi" kèm theo tấm ảnh chân dung Tố Hữu, cuối tháng 4 năm 1999. Đây không chỉ là tình cảm của nhà thơ dành tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, mà còn là tấm lòng đau đáu của một người con đối với quê hương mình. Cũng theo bà Nguyễn Minh Hồng, một bảo tàng nhà thơ Tố Hữu dự kiến sẽ được gia đình chính thức khánh thành vào tháng 10 năm sau (năm 2020) nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tố Hữu. Nếu trong nội dung trưng bày của Bảo tàng này không có bút tích bản thảo bài thơ “Bác ơi”, thì bút tích bài thơ "Bác ơi" của nhà thơ Tố Hữu hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, gần như “độc nhất vô nhị”. Nó không chỉ quý hiếm về góc độ hiện vật bảo tàng, mà còn chứa đựng trong đó tình cảm sâu nặng của nhà thơ và của cả Nhân dân Thừa Thiên Huế với Bác Hồ kính yêu.

Bài, ảnh: Lê Viết Xuân