Ông Trần Công Niên kể về những việc làm được dân tin yêu, trân quý

Người tổ trưởng trong lòng dân

Người dân trong tổ dân phố 16 phường Phước Vĩnh thường gọi ông Trần Công Niên là “Ông Niên tóc bạc” hay “Ông Niên tổ dân phố”. “Người dân gọi tui như thế một là do tóc tui bạc trắng, hai là tui đã làm tổ dân phố quá lâu năm”, ông Niên cười vui, giãi bày.

Sau ngày quê hương Thừa Thiên Huế được giải phóng, năm 1976, người dân tín nhiệm bầu ông làm tổ trưởng tổ dân phố. Từ đó đến nay, ông Niên liên tục được dân tin yêu, trân quý “giao” trọng trách này. “Không phải tui tham quyền cố vị, mà mình làm cái gì cũng vì dân, vì trách nhiệm, nên dân tin yêu. Thế thôi”, ông Niên nói.

Suốt câu chuyện với tôi, lúc nào ông Niên cũng nhắc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là lời dạy của Bác Hồ kính yêu, cũng là bài học đi suốt cuộc đời mà ông đã chọn. Tổ dân phố 16 mà ông Trần Công Niên làm tổ trưởng hiện có 260 hộ, 877 nhân khẩu; trong đó, nam 396 người, nữ có 481 người. Tổ có đến 65% là giáo dân.

Trải qua 43 năm giữ cương vị tổ trưởng tổ dân phố, ông Niên biết cuộc sống người dân trong tổ cần gì. Chỉ cần luôn giữ vững sự đoàn kết, thống nhất sẽ vượt qua tất cả những khó khăn. Đến với người dân, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống chính là cách để ông cổ vũ người dân tự vươn lên. “Ông hay lân la với những người lao động nghèo như chúng tôi. Qua trò chuyện, ông biết chúng tôi cần gì. Biết chuyện, ông luôn động viên chúng tôi phải biết vượt qua khó khăn. Nghề gì cũng phải cố gắng, tuy có vất vả đôi chút, nhưng nếu biết cách thì sẽ vượt qua. Ông hay nói với những người đạp xích lô, chạy xe thồ như thế. Vì thế ai cũng trân quý ông”, ông Nguyễn Sỹ, một người đạp xích lô trò chuyện.

Sống tốt đời, đẹp đạo

UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến cho biết: "Ông Niên là người duy nhất của tỉnh và là một trong 10 gương mặt tiêu biểu được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng Bằng khen “Vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Sống tốt đời, đẹp đạo” giai đoạn 2013 – 2018. Ông Niên còn vinh dự nhận Kỷ niệm chương “Đồng hành cùng dân tộc” do Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tặng; Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” do UBND tỉnh tặng.

“Trước trận lũ lịch sử năm 1999, tổ dân phố có 11 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo thì nay chỉ còn 3 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Những hộ nghèo là do hoàn cảnh neo đơn, già yếu, bệnh tật, không có khả năng lao động”, ông Niên cho biết.

43 năm được dân tín nhiệm bầu giữ chức tổ trưởng tổ dân phố đủ để ông Niên thấy rằng cái gì được dân đồng thuận, nhất trí thì việc khó mấy cũng thành công. Đó cũng là quãng thời gian ông tích cực lặn lội đến từng hộ gia đình, bàn bạc với chính quyền địa phương để thành lập “Quỹ tình nghĩa”. “Nói là quỹ cho oai, nhưng thực chất là sự tự nguyện của người dân trong tổ. Mỗi khi gia đình nào có đám tang, người dân đều tự nguyện góp 5.000 đồng để lo việc. Hành động đẹp này đã duy trì từ năm 1976 đến nay. Họ đóng góp mà không cần phải thúc dục hay bị sức ép gì cả. Tình làng, nghĩa xóm, khó khăn hoạn nạn luôn có nhau. Về vật chất thì không đáng chi, nhưng quý nhất là cái nghĩa, cái tình”, ông Niên tâm sự.

Mới đây, bà Phan Thị Tiếp trong tổ mất vì già yếu, nhưng hoàn cảnh hết sức đáng thương. Bà Tiếp sống một mình, không chồng, không con, không họ hàng thân thích. Trước hoàn cảnh đó, ông Trần Công Niên cùng các thành viên trong tổ cùng Hội Dòng Mến Thánh giá Phủ Cam đã đứng ra lo liệu việc đám, đưa bà Tiếp về nơi an nghỉ cuối cùng. Trường hợp ông Nguyễn Đăng Sinh mất do tuổi cao sức yếu, ông Niên cũng đã tích cực đứng ra cùng người dân và Hội Dòng Mến Thánh giá Phủ Cam lo chu toàn việc đám.

Lật giở từng trang ghi chép, ông Niên đếm: “Năm 2018, tổ có 8 đám tang; 6 già yếu, 2 do tai nạn. Đầu năm 2019 đến nay, tổ có thêm 2 đám tang nữa. Các cụ cao niên thì không nói làm chi. Âu đó là quy luật của thời gian, có sinh, có tử. Nhưng chỉ tiếc cho các cháu, chẳng may tai nạn mà từ giã cõi đời”. Hơn nửa đời người làm tổ trưởng tổ dân phố, điều mà ông Niên thấm thía chính là cái nghĩa, cái tình của bà con lối phố đối xử với nhau.

“Nhiệm kỳ của một tổ trưởng tổ dân phố chỉ 2,5 năm. Nhưng người dân trong tổ nói với tui: “Bác cứ cố gắng làm vì người dân chúng tôi, đến khi nào không làm được nữa thì thôi”. Tui cười. Cứ nghĩ đến lời nói của họ mà cố gắng làm. Với tui, không chỉ là sự tín nhiệm của người dân mà là sự động viên, khích lệ để tui tiếp tục “sứ mệnh” của mình ”, ông Trần Công Niên xúc động.

Ông Nguyễn Như Hòa, Bí thư Đảng ủy phường Phước Vĩnh cho biết: “Ông Niên là trung tâm giữ vững mối đoàn kết lương - giáo trong phường. Không chỉ là tổ trưởng tổ dân phố, ông còn là đại biểu HĐND phường Phước Vĩnh; thành viên Ban bảo vệ Tổ dân phố khu vực 6; Trưởng ban Điều hành “Liên kết vùng giáo thanh bình” phường. Ông vinh dự là Ủy viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; Thư ký Hội đồng cố vấn Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam”.

 Bài, ảnh: Anh Phong