Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp thứ 15 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: dangcongsan.vn

1. Từ “chạy” không có nghĩa là xấu, nhưng lâu nay người ta đã biến tướng để trở thành một hiện tượng xã hội không bình thường, một hành vi vô đạo đức và vi phạm pháp luật.

Từ “chạy” trở thành khẩu ngữ quen miệng, quen tai, như một động thái thông thường trong hoạt động xã hội. Câu hỏi đặt ra là tất cả mọi việc đều có tiêu chuẩn, quy chế, điều luật rõ ràng, việc gì phải khom lưng cho tốn sức, tốn tiền? Những người chân chính, đàng hoàng nói như thế, nhưng nhìn lại thấy người ta chạy đều được việc, đều có lợi. Người không chạy bị thiệt thòi, người cố giữ đạo đức không chịu chạy còn bị thiệt thòi nhiều hơn. Nhiều người thấy thế cũng sốt ruột chạy theo. Giá của "sự chạy" được tính bằng “cây”, bằng “chỉ”, dần dần được quy ra thành “vé” (đô la) cho có giá hơn. Rất tự nhiên người ta tự nguyện chấp nhận chạy, chấp nhận tốn kém, miễn là được việc.

 Trong các loại chạy thì chạy chức, chạy quyền là rất tinh vi, khó phát hiện và nguy hiểm nhất. Có cầu ắt sẽ có cung, đó là quy luật tất yếu. Có người tham vọng muốn “mua” chức thì sẽ có người đủ thẩm quyền sẵn sàng ban phát, “bán” chức tước trong quyền hạn của mình. Người ta cố để có chức quyền không phải chỉ là danh vọng cá nhân mà có điều kiện để làm giàu, phất lên từ chức quyền. Chức quyền phải là những vị trí có thế lực, quản lý tiền bạc, dự án, chi phối tổ chức cán bộ. Cho nên, một số cơ quan mang danh nghe oai nhưng không có quyền hành thực chất, không có “màu” thì cũng ít người muốn chạy vào.

Từ vị trí phụ thuộc ban đầu phấn đấu để chạy vào được cái ghế có quyền, từ ghế nhỏ dần chạy vào ghế lớn hơn. Chức tước càng cao, quyền càng lớn thì cũng có nghĩa bổng lộc tỷ lệ thuận theo đó mà tăng lên. Đó là lý do chính để người ta đầu tư tiền bạc chạy cho bằng được cái ghế cao hơn, nhiều quyền lực, nhiều bổng lộc hơn.Với tư tưởng vụ lợi, muốn vơ vét cho đầy túi họ không ngại gì tìm mọi cách để tham nhũng. Tham nhũng để làm giàu, để có tiền chạy lên chức cao hơn. Có mấy ai lấy lương tháng để chạy mà chủ yếu là từ bổng lộc, tham nhũng và các nguồn làm ăn phi pháp. Vậy là chạy chức, chạy quyền đồng hành với nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực, vi phạm đạo đức công vụ.

2. Những năm gần đây, Đảng ta quyết liệt với nạn tham nhũng, nạn chạy chức, chạy quyền. Mặc dù bị lên án, nhưng những vụ án về tệ nạn này chưa được phát hiện, xử lý nhiều. Có chăng cũng chỉ là những vụ cụ thể về bổ nhiệm “không trong sáng”, “bổ nhiệm người nhà, người thân”, về ê kíp, vây cánh, cục bộ… Những vụ việc bị xử lý trong thời gian qua ở các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cũng chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm. Dư luận nêu ra chức này, chức nọ chạy hết bao nhiêu, nhưng cụ thể thế nào thì ít có chứng cứ rõ ràng, trừ người trong cuộc.  Giữa người chạy và người nhận biết riêng với nhau, không để lộ cho người thứ 3 biết. Từ đó đặt ra vấn đề: Nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực, công khai, minh bạch, dân chủ, chống chạy chức, chạy quyền thì sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn tiêu cực ngày càng bùng phát, là nguy cơ làm suy yếu bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Nếu tiếp tục tồn tại tệ nạn này thì dân còn khổ vì nạn tham nhũng, Nhà nước phải chịu gánh nặng bởi những quan chức bất tài, thiếu năng lực, “ngồi nhầm ghế”. Những con người đó không những không làm được gì có lợi cho dân, cho nước mà còn trở thành những tấm gương mờ, vẩn đục xã hội.

3. Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” chính là cụ thể hóa cơ chế ngăn chặn tệ nạn này trong công tác cán bộ. Mặc dù đã có nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ nhưng đây là lần đầu tiên có quy định tương đối chặt chẽ, chế tài cụ thể, khắc phục những sơ hở tồn tại lâu nay. Tuy mới được công bố trên hệ thống thông tin đại chúng nhưng đã nhận được đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Vấn đề đặt ra hết sức nghiêm túc là quy định của Bộ Chính trị phải được thực thi nghiêm túc từ trên xuống dưới, trong tất cả các khâu của quy trình bổ nhiệm cán bộ. Lãnh đạo càng cao càng phải gương mẫu, công tâm, vô tư vì sự nghiệp chung, tự trọng nhân cách bằng việc từ chối với tệ nạn chạy dưới mọi hình thức. Cần phải xác định đây là một phong trào lớn trong toàn xã hội, huy động được tai mắt phát hiện, giám sát của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Thời điểm này đang là giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp. Nhân sự lãnh đạo, nhất là cấp cao đang là tâm điểm chú ý của toàn xã hội. Chống lợi dụng quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chính là làm tăng thêm sức mạnh, uy tín cho Đảng khi bước sang nhiệm kỳ mới.

NGUYỄN AN HÒA