Lối ra vào cửa số 2 (cửa hướng Tây) địa đạo An Hô

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhằm bảo vệ vùng giải phóng miền Tây Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 324 quyết định giao cho Trung đoàn 1 nhiệm vụ xây dựng một địa đạo trên dãy An Hô. Ngoài nhiệm vụ phòng thủ, địa đạo còn là nơi tập kết, dự trữ vũ khí, lương thực, trang bị kỹ thuật, góp phần không nhỏ cho giải phóng Thừa Thiên Huế nói riêng và miền Nam nói chung trong kháng chiến chống Mỹ.

Trải qua thời gian, dưới tác động của thiên nhiên, địa đạo An Hô đã có một phần bị xuống cấp, sạt lở đất đá ở bên trong, một số đoạn giao thông hào, căn hầm, ụ súng chiến đấu... bị vùi lấp.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Việt, ở xã Hương Nguyên cho hay, các vật dụng gỗ, đồ dùng sinh hoạt được đưa vào sử dụng trong địa đạo hiện nay không còn nữa...Tuy chỉ cách trung tâm xã Hương Nguyên khoảng 1,5km, nhưng con đường dân sinh rẽ vào khu địa đạo địa hình sườn đồi núi dốc, có nhiều khe suối, đường mòn đất đá chênh vênh nên việc đi lại rất khó khăn.

Theo Chủ tịch UBND xã Hương Nguyên Hồ Văn Tâm, với chính sách về bảo vệ và phát triển rừng trồng phòng hộ đầu nguồn, những năm qua, người dân địa phương đã trồng cây gây rừng, góp phần bảo tồn khu địa đạo, hạn chế phần nào tác động từ thiên nhiên như xói mòn, sạt lở đất đá. Tuy nhiên, các biện pháp trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị địa đạo, cũng như khu vực hầm hào xung quanh chưa được quan tâm. Đến năm 2010, khi các cựu chiến binh của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 trong chương trình “Về nguồn” tìm lại địa đạo An Hô, khu vực này mới được phát quang cây cỏ, bụi rậm, làm lộ rõ hai cửa địa đạo và hệ thống giao thông hào trên mỏm núi An Hô.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích địa đạo An Hô, sau khi di tích địa đạo này được xếp hạng, ngành hữu quan đã phân cấp cho UBND huyện A Lưới quản lý, trực tiếp là chính quyền và nhân dân xã Hương Nguyên để thuận lợi trong việc bảo tồn cũng như phát huy giá trị của di tích.

Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, địa đạo An Hô là công trình có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay, những người được sinh ra và lớn lên trong thời bình, giúp họ có nhận thức sâu sắc hơn về cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ của các thế hệ cha, ông. Đồng thời, nếu bảo tồn và khai thác tốt, đây sẽ là một điểm đến trong tuyến du lịch di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. Do đó, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan để có kế hoạch đầu tư phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử này.

Trước mắt, chính quyền địa phương cần nhanh chóng tranh thủ các nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa để nâng cấp con đường vào khu địa đạo; đồng thời, lập bản đồ, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ để thuận lợi cho công tác quản lý và phát huy giá trị di tích, xây dựng các biển chỉ dẫn, bia giới thiệu di tích, bia tưởng niệm, phục vụ người dân địa phương và du khách đến tham quan, học tập. Tạo sự kết nối địa đạo An Hô cùng các địa điểm di tích khác dọc theo đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện A Lưới đã được xếp hạng di tích như Động Tiên Công, đồi A Bia, địa đạo động So – A Túc, địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học tại sân bay A So..., trở thành tuyến tham quan tưởng niệm, kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hấp dẫn khi du khách đến A Lưới

Bài, ảnh: Quốc Tuấn