Sách giáo khoa cần đáp ứng nội dung chương trình mới

Ông Thái Văn Tài cho biết: Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới đã quy định cụ thể nội dung, phương pháp đổi mới giảng dạy, những phẩm chất, năng lực cần đạt của học sinh. Từ những năng lực cốt lõi này sẽ mở rộng ra thành mạch kiến thức của từng bộ môn, được thiết kế đồng tâm, đồng trục từ lớp 1 đến lớp 12. Vì vậy, khi biên soạn sách giáo khoa, nội dung của cuốn sách trước hết cần đáp ứng về mặt dung lượng kiến thức của chương trình, theo Thông tư 32 với các mục tiêu, thời lượng, mạch kiến thức và tất cả tiêu chí cần đạt về đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới đã công bố. Đây là điều kiện quan trọng.

Phụ huynh xem bảng giá niêm yết sách giáo khoa tại cửa hàng thuộc hệ thống phân phối chính thức của NXB Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Khi nội dung sách giáo khoa đã đáp ứng được những điều kiện này thì mới xem xét đến cấu trúc của sách, theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa. Thông tư 33 với 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí, 40 minh chứng sẽ giúp hội đồng thẩm định soi chiếu xem tác giả thiết kế sách đã đúng quy chuẩn hay chưa, nghĩa là đánh giá về mặt kỹ thuật của cuốn sách. Ví dụ, một hình ảnh đưa vào sách thì phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, không định kiến về giới tính, tôn giáo, bình đẳng dân tộc…Ngôn từ sử dụng trong sách phải đúng với quy luật tiếng Việt, không dùng những ngôn từ không phổ quát.

Từ những phân tích trên, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài khẳng định: Trong lần thẩm định này, hầu hết các bản thảo “không đạt” là do không đáp ứng được nội dung chương trình theo Thông tư số 32 chứ không phải do tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư số 33.

Ví dụ, chương trình quy định thời lượng 150 tiết nhưng sách chỉ thiết kế 70 tiết là không đáp ứng thời lượng và mục tiêu chương trình. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới thay đổi về mục tiêu và đích đến. Nếu trước đây, mục tiêu của giáo dục phổ thông là xây dựng chương trình để hình thành kiến thức và kỹ năng thì hiện nay mục tiêu hướng đến là phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh.

Sách giáo khoa cần được thiết kế trở thành tài liệu cho học sinh, giáo viên, tất cả mọi người trong xã hội đều có thể đọc và hình dung ra chương trình. Không thể thiết kế một cuốn sách giáo khoa mà chỉ giáo viên được tập huấn thật kỹ mới có thể giảng dạy được. Chúng ta đang hướng tới việc cả gia đình, nhà trường và cộng đồng cùng tạo ra một môi trường để hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh. Do vậy, sách giáo khoa được xây dựng lần này là tài liệu dạy học quan trọng nhưng hướng đến nhiều đối tượng: giáo viên, học sinh và các lực lượng xã hội khác.

Có 9 bản thảo đánh giá “không đạt”

Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài chia sẻ: Trong lần thẩm định này, có 9 bản thảo sách giáo khoa được đánh giá “không đạt” ở các môn: Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất, Tự nhiên và Xã hội, Toán, Tiếng Việt” là do không đáp ứng được chương trình. Còn lại, đa số những tiêu chí về kỹ thuật đều được đánh giá “đạt” hoặc “đạt nhưng cần chỉnh sửa”.

Liên quan đến bản thảo sách giáo khoa Toán, Tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngọc Đại “không đạt” trong lần thẩm định này, ông Thái Văn Tài cho rằng: Không chỉ riêng sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có thời gian sử dụng lâu năm và lượng học sinh lớn nhưng không được Hội đồng thẩm định thông qua mà tất cả sách giáo khoa hiện hành nếu không chỉnh sửa để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới thì cũng sẽ “rớt” ngay từ đầu. Mặc dù những cuốn sách này cũng đã sử dụng được gần 20 năm, có hàng triệu học sinh đang học và nội dung xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 5. Sách giáo khoa hiện hành muốn được sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới đều cần phải chỉnh sửa, theo mạch nội dung, kiến thức quy định tại Thông tư 32.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện theo Luật Giáo dục, quy định “một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa”. Do vậy, khi đánh giá cuốn sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại “không đạt” vì không phù hợp với chương trình mới, một số ý kiến cho rằng, cần có đường đi riêng cho cuốn sách này. Tuy nhiên, đây là điều Luật không cho phép và không công bằng với hàng trăm tác giả khác đang thực hiện viết sách giáo khoa.

Nói rõ hơn về quy trình thẩm định sách giáo khoa lần này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài chia sẻ: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hội đồng thẩm định có cơ cấu đa dạng và phủ kín, có nhà khoa học, chuyên gia sư phạm, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Hội đồng thẩm định có quy trình làm việc rất chặt chẽ, qua hai vòng. Khi tác giả nghiên cứu chương trình và xây dựng ra bản thảo sách giáo khoa cần phải thông qua nhà xuất bản, nghĩa là được lọc qua một lần theo Luật Xuất bản.

Khi nhà xuất bản trình cuốn sách lên phải qua một Hội đồng, các thành viên có 15 ngày đọc sách, 1 ngày nghe tác giả báo cáo và 7 ngày để thảo luận xem bản thảo đó đạt hay không đạt. Kết thúc vòng 1, tác giả có 1 tháng để tiếp thu, chỉnh sửa. Đến vòng 2, tác giả có một buổi báo cáo Hội đồng về sản phẩm sau khi tiếp thu, trình bày phần chỉnh sửa. Sau đó, Hội đồng tiếp tục có 7 ngày để đánh giá lại và đưa ra kết luận cuối cùng. Với tinh thần trách nhiệm cao và thời gian làm việc kỹ lưỡng, chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn sẽ có những bộ sách giáo khoa tốt để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 vào năm 2020.

Theo TTXVN