1. Mới cưới về, vợ chồng A. được mẹ gợi ý: “Mần chi thì mần, 2 vợ chồng phải “canh” như răng để có thằng cu đầu lòng cho chắc ăn...”. Là con độc đinh trong nhà, nghe mẹ quán triệt, A. cũng hiếu thuận làm theo, quyết tâm kiếm cậu nhóc đích tôn cho ba mẹ ấm lòng.

Một tháng trôi qua, vợ chồng A. được tẩm bổ bằng những món ăn bí quyết sinh con trai. Ngoài áp dụng chế độ ăn, uống, vợ A. còn áp dụng phương pháp y học là siêu âm noãn. Qua tháng thứ 2, thứ 3, rồi thời gian cứ thế kéo dài đến gần ngày kỷ niệm 1 năm ngày cưới, bụng vợ A. vẫn phẳng lì. Có lẽ do căng thẳng quá nên khó đậu, vợ chồng A. nghĩ thế, nên đâm nản, mọi chế độ ăn uống, kiêng khem, theo y học... đều bị bỏ cuộc.

Trong khi vợ chồng A. còn tâm lý “chủ quan” thì mẹ A. nóng ruột không kém, nhất là những lời hỏi han của bà con, chòm xóm cứ lởn vởn trong đầu mẹ A.: “Chúng nó kế hoạch thế nào mà mãi không chịu đẻ. Bữa nay “tịt” nhiều lắm, để lâu không khéo...”. Nghe đâu con nhà bà C. cách một ngõ kiệt hồi đầu do 2 vợ chồng theo học hàm học vị nên “kế hoạch”, mãi hơn 5 năm vẫn chưa có mụn con. Đến lúc có chút chức vị, có tiền thì lại phải bỏ thời gian, đổ ra hàng trăm triệu đồng để đi chữa hiếm muộn. Giật mình thoáng lo, mẹ A. đành đổi suy nghĩ tích cực, thôi con gì cũng là con, miễn có cháu ẵm cho vui cửa vui nhà. Nhưng chuyện có con với vợ chồng A. bây giờ không thể muốn là có liền được...

2. Gia đình bà K., gần một năm nay luôn xảy ra cảnh hục hặc, có lúc liên can đến tình cảm vợ chồng. Bà K. cứ một mực “bắt” cô con dâu đẻ thêm đứa nữa, cứ can thiệp, tính toán hết sức, trai hay gái bà chịu. Công việc vất vả, thu nhập không mấy dư giả, lo chuyện ăn tiêu cho cả nhà và việc học của 2 con gái, vợ chồng chị M. một mực trái ý bà K. Thế là, “cơm không lành, canh chẳng ngọt” xảy ra như cơm bữa và nguyên nhân vẫn do nguyện vọng có cháu trai nối dõi tổ tông. Hễ nghĩ đến 2 đứa cháu trai gọi bằng bà ngoại, bà K. càng thấy thèm và lại sinh sự với vợ chồng M. Trong một lần về quê chạp giỗ mới đây, lúc trở lên, tính khí bà K. như quay ngoắt 180 độ. Bà quan tâm, nói chuyện vui vẻ với 2 cô cháu nội, cận kề chia sẻ việc nhà với vợ chồng M. hơn.

Vô tình trong một lần gặp chị H., con ông bác của chồng mới rõ vì sao mẹ chồng mình thay đổi suy nghĩ tích cực như vậy, không bắt vợ chồng chị phải “nặn” cho bà “cây gậy” nữa. Chả là mấy chuyện xây nhà thờ họ, nhánh, xây lăng đắp mộ đều có công có của chị H. đóng góp. Từ khi ba mẹ chị H. mất, chị vẫn thờ tự, lo chuyện lớn chuyện nhỏ trôi tròn. Trò chuyện, chị H. nhỏ nhẹ mấy câu: “Có phúc thì có phần em à. Bao nhiêu cách để làm tròn bổn phận chữ hiếu, miễn sao để được tâm an”. Có lẽ, mẹ chồng M. cũng được đả thông tư tưởng này chăng?

HOÀI NGUYÊN