Hàng trăm lồng cá xếp dọc sông Đại Giang là kế mưu sinh của nhiều hộ dân xã Thủy Tân, Thủy Phù (TX. Hương Thủy). Ông Trần Văn Diệm ở thôn 10, xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) thừa nhận, vài năm trở lại đây cá nuôi lồng trên sông Đại Giang thường bị chết do ngạt vì thiếu ô xi. Biết vậy nhưng người dân vẫn cứ nuôi, phần vì mưu sinh, phần “gỡ gạc” các vụ nuôi trước bị thua lỗ. Vào giữa tháng 9 năm nay, cả 6 lồng cá trắm của gia đình ông Diệm đều bị chết, thiệt hại gần như hoàn toàn.
Thống kê từ Phòng Kinh tế-TX. Hương Thủy, giữa tháng 9/2019, có trên 300 lồng nuôi cá trắm cỏ, mè, cá leo trên sông Đại Giang bị chết với tổng sản lượng gần 140 tấn, ước tính thiệt hại khoảng 2,7 tỷ đồng. Hai xã Thủy Phù và Thủy Tân bị thiệt hại nặng nhất, trong đó Thủy Tân có đến 188/216 lồng và Thủy Phù 120/120 lồng cá bị chết hoàn toàn.
Nỗi niềm của một người dân Thủy Phù có cá lồng bị chết
Vào mùa cao điểm nắng hạn (tháng 6-8), mực nước trên các sông giảm, các hồ thủy lợi, thủy điện lại khô kiệt không có khả năng tạo dòng chảy nên tình trạng cá lồng nuôi trên sông Bồ, Như Ý, Ô Lâu… cũng chết hàng loạt, thiệt hại hàng trăm tấn cá trắm, mè, rô, chép...
Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định và giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá lồng nuôi trên các sông Bồ, Đại Giang, Như ý và hồ Khe Lời... bị chết thời gian qua do thiếu ô xi. Cá chết thường xảy ra vào sáng sớm, là thời điểm có hàm lượng ôxi thấp nhất trong ngày. Kết quả đo hàm lượng ô xi dao động 0,8-2,5mg/l, có khi bằng 0 dẫn đến cá chết (trong khi giới hạn hàm lượng ô xi để nuôi cá phải ≥ 4mg/l).
Tình trạng cá chết thường rơi vào thời gian giao mùa, các yếu tố môi trường có sự biến động lớn giữa ngày và đêm. Nguồn nước từ các chân ruộng đổ ra sau những cơn mưa cũng làm ảnh hưởng đến cá nuôi. Ngoài ra qua rà soát các quy chuẩn, quy định về điều kiện nuôi thủy sản cho thấy, các vùng nuôi cá lồng bị chết chưa đảm bảo về lưu tốc dòng chảy, khoảng cách giữa các lồng nuôi không đúng quy định...
Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù, ông Lê Hữu Trí đánh giá, mặc dù biết nguyên nhân cá chết do thiếu ô xi nhưng đến nay người dân còn lúng túng, chưa có biện pháp nuôi an toàn và hiệu quả. Tháng 7 vừa qua cũng đã xảy ra tình trạng cá chết do thiếu ô xi nhưng bà con vẫn mất cảnh giác, không có biện pháp tạo ô xi dẫn đến cá chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn.
Tuy nhiên theo ông Trí, việc tạo ô xi cho cá lồng nuôi trên các sông là giải pháp ứng phó tạm thời, chủ yếu để cầm cự trong thời gian ngắn, hoặc chờ thương lái đến thu mua. Giải pháp lâu dài cần tính đến yếu tố khung lịch thời vụ và quy hoạch vùng nuôi hợp lý, gắn với thực hiện nghiêm túc các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi an toàn của Bộ NN&PTNT.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân cá chết của Chi cục Thủy sản tỉnh, ông Trí cho rằng, nên thay đổi khung lịch thời vụ hợp lý, tránh thời kỳ cao điểm mùa nắng nóng, mực nước trên các sông xuống thấp, các hồ thủy điện, thủy lợi không có khả năng điều tiết về hạ du, tạo dòng chảy.
Các loại cá nuôi trên sông chủ yếu trắm cỏ, rô phi, mè, chép… thường nuôi 10 tháng đến 1 năm mới thu hoạch. Để tránh giai đoạn cao điểm nắng nóng, người dân nên thả nuôi ngay sau khi mùa lũ kết thúc, kèm theo đó là thả giống có kích cỡ lớn đảm bảo cá phát triển nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng (có thể cho thu hoạch trong vòng 6-7 tháng nuôi). Như vậy nếu thả nuôi khoảng tháng 12 thì sẽ thu hoạch vào khoảng tháng 6-7 năm sau, lúc này mực nước cũng như dòng chảy, hàm lượng ô xi trên các sông tương đối ổn định.
Quy hoạch vùng nuôi cá lồng hợp lý cũng được các địa phương tính đến nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, các vùng được đưa vào quy hoạch nuôi phải đảm bảo các yếu tố môi trường, độ sâu, lưu tốc dòng chảy, những vùng ít ảnh hưởng hạn hán, lũ lụt, thậm chí ít phụ thuộc vào sự điều tiết của các hồ chứa thủy điện... Người dân cần tuân thủ theo quy hoạch, chấp hành các quy định, điều kiện kỹ thuật nuôi cá lồng của cơ quan chức năng.
Đã đến lúc phải tính toán, cơ cấu lại khung lịch thời vụ và quy hoạch vùng nuôi hợp lý, tránh tình trạng cá lồng bị chết hàng loạt gây thiệt hại lớn như thời gian qua.
Bộ NN&PTNT đã có quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản đối với tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng, bè nước ngọt: Vị trí đặt lồng, bè phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, hoặc phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Đáy lồng, bè phải cách đáy sông ít nhất 0,5m vào thời điểm mực nước thấp nhất. Các cụm lồng, bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le, nối tiếp cách nhau tối thiểu 200m. Mật độ lồng, bè ở khu vực nuôi chiếm tối đa 0,2% diện tích mặt nước.
Nội dung: Hoàng Triều
Thiết kế: Minh Quân - Đồ Họa: Hương Trà