Một túi rác thải nhựa đang được đưa vào một máy ép tại tỉnh Tokushima, Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Phát biểu vào hôm Chủ nhật tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ trong Diễn đàn Xã hội ở Kyoto, ông nói: “Chúng ta không nên coi nhựa là kẻ thù, cũng đừng tẩy chay những người sử dụng nó”, theo một bản dịch được công bố trên trang web của Văn phòng Thủ tướng. “Những gì cần làm là quản lý rác thích hợp và tìm kiếm giải pháp thông qua đổi mới sáng tạo”.

Đề cập đến cam kết được đưa ra trong tháng 6 tại cuộc họp của Nhóm G20 tại Osaka về việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên đại dương, ông Abe nói: “Một điều tôi cảm thấy rất vui là chúng ta dần hiểu rõ vai trò quan trọng của nhựa trong đời sống xã hội”.

“Chúng ta nên tự hào về một số phát minh vĩ đại của thế kỷ 20”, theo ông Abe. “Nhựa là một trong số đó, và nếu nó không tồn tại, chúng ta sẽ không thể đóng gói thực phẩm tươi sống ở dạng thuận tiện để xếp lên kệ các siêu thị”.

Nhật Bản là nước tiêu thụ nhựa dùng một lần lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ, và đã tụt hậu so với nhiều quốc gia tiên tiến và các nước đang phát triển khác về mặt điều chỉnh việc sử dụng chúng. Ví dụ, ống hút nhựa, dao và đĩa nhựa sử dụng một lần sẽ bị cấm hoàn toàn tại Liên minh châu Âu vào năm 2021. Hay, Ấn Độ đã phát động một chiến dịch để giảm việc sử dụng các mặt hàng tương tự trong tháng này.

Các tập đoàn quốc tế cũng đang phản ứng với áp lực của người tiêu dùng đối với chất thải nhựa, chẳng hạn Unilever cam kết sẽ giảm một nửa việc sử dụng nguồn nhựa mới.

Nhật Bản là nước xuất khẩu chất thải nhựa lớn thứ ba thế giới, theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản. Trong năm 2018, nước này đã xuất khẩu hơn một triệu tấn chất thải nhựa, trong đó Malaysia và Thái Lan là một trong những điểm đến hàng đầu.

Anh Tuấn (Lược dịch từ Bloomberg)