Người dân vạn đò Thủy Phú lo trước mùa bão lũ
Khắc khoải vạn đò
Cứ vào mùa mưa lũ, bà Nguyễn Thị Vân cùng với 25 hộ dân thôn vạn chài Thủy Phú, xã Hương Vinh (TX. Hương Trà) lại âu lo. Trong một trận lũ lớn cách đây mấy năm, vì thuyền của gia đình con trai bà Vân không kịp về nơi neo đậu, đành phải tấp vào neo tạm ở khu vực cầu Thảo Long và tá túc tại nhà dân thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong (TX. Hương Trà).
Thôn vạn chài Thủy Phú thường được chính quyền địa phương bố trí địa điểm an toàn để sơ tán đến trú ẩn khi bão, lũ lớn xảy ra. Tuy nhiên các hoạt động đánh bắt thủy sản, mưu sinh trên sông nước phải trở về bờ kịp thời để được các lực lượng hỗ trợ, vận chuyển vật dụng đến nơi trú tránh.
Không ít lần, các lực lượng phải đi tuần tra, tìm kiếm các hộ dân còn lênh đênh trên sông nước, hoặc đang trên đường trở về để đôn đốc, kéo cẩu các đò kịp thời về bờ…
Mong mỏi của người dân Thủy Phú từ bao đời nay là được bố trí lên bờ định cư để ổn định cuộc sống, đảm bảo an toàn trong mùa bão, lũ.
TX. Hương Trà và xã Hương Vinh đã có kế hoạch, quy hoạch địa điểm tái định cư cho dân Thủy Phú. Khu vực tái định cư được bố trí đảm bảo thuận lợi cho người dân kinh doanh cũng như làm nghề đánh bắt thủy sản. Chính quyền địa phương đang xúc tiến xây dựng các hạng mục như san lấp, giải phóng mặt bằng, điện, nước… và hỗ trợ kinh phí theo quy định của Nhà nước để sớm đưa người dân đến sinh sống.
Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh đang đốc thúc các ban ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư cho dân Thủy Phú. Địa phương đã có kế hoạch, phương án sơ tán, di dời các hộ dân vạn đò khi bão, lũ xảy ra. Lương thực, thực phẩm được dự trữ đầy đủ, cứu trợ cho dân khi cần thiết.
Các phương tiện thuyền, áo phao, phao tròn được chuẩn bị sẵn sàng phục vụ công tác tuần tra, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Các hộ dân còn được chính quyền địa phương, các ban ngành hỗ trợ phao tròn, áo phao... để chủ động ứng phó lũ lụt.
Chủ động ứng phó
Sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, gia đình bà Hoàng Thị Thúy ở thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ (Quảng Điền) tiến hành sửa lại “tra” (gác lửng) chắc chắn, an toàn để đưa lương thực, các vật dụng lên tránh lũ.
Xã Phong Bình chuẩn bị phương tiện cứu hộ cứu nạn
Trong các đợt mưa vừa qua, gia đình bà Thúy cũng đã vận chuyển giống cây trồng, lúa gạo lên “tra”. Lượng lúa của gia đình bà Thúy vẫn còn tồn đọng khá lớn gần 3 tấn, do chờ đến thời điểm giá lúa tăng mới bán.
Khác với gia đình bà Thúy, nhiều hộ dân ở Quảng Thọ cũng như vùng thấp trũng thường bán lúa ngay sau khi thu hoạch nhằm tránh thiệt hại do ngập lụt. Gia đình ông Nguyễn Thống ở thôn Tây Thành, xã Quảng Thành (Quảng Điền) sau khi thu hoạch 10 sào lúa hè thu được 3,5 tấn đã bán hết 3 tấn. Số lúa còn lại chủ yếu phục vụ đời sống và xay xát dự trữ trong mùa bão, lũ. Phần lớn lồng cá nuôi trên sông đều được người dân thu hoạch tránh lũ…
Chuẩn bị cho mùa bão, lũ có thể kéo dài, người dân các vùng thấp trũng ngoài dự trữ lúa gạo còn mua thêm lương thực, thực phẩm, mì ăn liền, trứng gà... Tại các xã, thôn còn dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm đảm bảo cứu trợ cho dân khi cần thiết.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, ông Đào Trọng Thành cho rằng, việc dự trữ lương thực “tại chỗ” chỉ để cứu trợ khi cần thiết, những vùng ngập lũ kéo dài, có khả năng chia cắt. Nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu do các hộ dân chủ động dự trữ đảm bảo phục vụ đời sống trong mùa bão, lũ.
Bão, lũ được dự báo diễn biến bất thường, khó lường nên các địa phương, người dân kiến nghị các cấp, ban ngành, các chủ hồ đập thủy điện, thủy lợi, hồ Tả Trạch có biện pháp điều tiết hợp lý, thông báo sớm cho người dân trước khi xả lũ, tránh bất ngờ, lũ dâng đột ngột… |
Tại các xã vùng trũng của Phong Điền như Phong Bình, Phong Chương… các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó khi xảy ra lũ trên địa bàn, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện đò máy, xuồng cao tốc phục vụ cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi một số vùng có thể bị chia cắt.
Hàng trăm hộ dân tại các khu vực xung yếu, thấp trũng, có nguy cơ sạt lở, lũ cuốn dọc sông Ô Lâu như thôn Hòa Viện, Vĩnh An, Tây Phú, Trung Thạnh, Đông Phú (Phong Bình), Ma Nê (Phong Chương)… được các địa phương chuẩn bị phương án di dời, sơ tán dân khi lũ dâng cao.
Người dân các phường Vỹ Dạ (TP. Huế), Thủy Vân (TX. Hương Thủy), Phú Thượng (Phú Vang)… triển khai các mô hình trồng hoa tránh lũ bằng cách đưa các chậu hoa lên hệ thống giàn cao từ 1 mét trở lên. Tuy nhiên tại nhiều vùng thấp trũng như huyện Quảng Điền, người dân vẫn chưa triển khai phương pháp trồng hoa trên giàn nên nguy cơ thiệt hại rất cao. Hầu hết các vườn rau ở vùng thấp trũng đều bị ngập khi xảy ra lũ lụt. Biện pháp duy nhất của người dân lúc này là be bờ, tạo cống rãnh quanh các vườn hoa, rau màu để thoát lũ, hạn chế thiệt hại…
Bài, ảnh: Hoàng Thế