Kinh tế Việt Nam đang vững bước đi lên. (Ảnh minh họa: KT)

Theo báo cáo cập nhật mới nhất tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 6,7% vào năm 2019, con số này vẫn vượt trội so với các nền kinh tế còn lại trong khu vực và Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệu ứng chuyển hướng thương mại tích cực, mặc dù ở đà thấp hơn, cũng như sức cầu mạnh trong nước và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vững chắc.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2019, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá cao với động lực chính là tăng trưởng của ngành công nghiệp và các ngành dịch vụ thị trường. Cụ thể, trong ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế với mức tăng 11,37%. Ngành khai khoáng sau 3 năm giảm liên tục đã đạt mức tăng trưởng 2,68% nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.

Có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2019

Sự tăng trưởng khả quan của nền kinh tế còn thể hiện ở những con số xuất khẩu đầy ấn tượng. Trong quý 3/2019, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 71,76 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 12,7% so với quý II năm nay.

Tính chung 9 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Nối tiếp đà tăng trưởng tích cực của kinh tế quý I và quý II, tăng trưởng kinh tế của quý III/2019 đạt được kết quả khá tốt với tổng sản phẩm trong nước ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,82% của quý I và 6,73% của quý II năm 20119. Tính chung 9 tháng qua, GDP tăng 6,98% và đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục thống kê đánh giá, với kết quả đạt được trong 9 tháng, kinh tế của cả năm 2019 có triển vọng rất khả quan, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

“Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch 5 năm là tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 6,5% - 7% và đến thời điểm này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 6,7%. Nếu tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt mục tiêu cao nhất mà Quốc hội đề ra là 6,8% thì tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,73%, góp phần quan trọng thực hiện kế hoạch tăng trưởng trong cả giai đoạn 2016 – 2020”, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.

Với giải ngân vốn FDI, theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng ADB cho biết, con số của lĩnh vực này ước tính tăng 8,1% trong nửa đầu năm 2019, đạt 9,1 tỷ USD, tương đương 8,4% GDP. Đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng phản ánh niềm tin của doanh nghiệp được cải thiện, tăng gần gấp đôi trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2018, đạt 8,1 tỷ USD.

Cầu nội địa là đòn bẩy tăng trưởng

Rất lạc quan với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, ông Eric Sidgwick nhận định: “Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm và lạm phát duy trì ở mức thấp”.

Cũng theo ông Eric Sidgwick, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu gần đây và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn. Sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn do ảnh hưởng và chịu tác động của chính trường thế giới, sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu nhưng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2019, nếu như tiếp tục cải cách mạnh mẽ thì con số này có thể tăng lên mức 7% trong thời gian tới.

“Kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh nhờ việc ký kết một số Hiệp định thương mại tự do. Đó là những hiệp định mở cửa cho hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường lớn mà không phải đóng thuế. Do đó, chúng ta có cơ hội để phát huy lợi thế vốn có, tăng năng lực cạnh tranh để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn. Nếu khu vực kinh tế tư nhân phát triển, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư hợp tác nước ngoài thì kinh tế đất nước tiếp tục được phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai”, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định.

Theo VOV