Theo dõi sức khỏe bệnh nhân tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

Lựa chọn nghề

Anh Nguyễn Việt Chung, Trưởng phòng Y tế, Phục hồi sức khỏe, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh từng là trinh sát đặc công (C20 Sư đoàn 342). Ra quân, anh Chung về làm quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Năm 1986, khi Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế thành lập, anh chuyển vào đây công tác. Công việc lúc đó là làm bảo vệ, quản lý bệnh nhân. Vốn là người yêu thích ngành y, lại chứng kiến những hoàn cảnh, bệnh tình thương tâm của bệnh nhân, anh Chung quyết định bước tiếp con đường học vấn. Dù đã hơi “đứng” tuổi, anh vẫn miệt mài học tập và lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng sơ cấp y, trung cấp y và bằng cử nhân luật.

Theo anh Chung, một số người do mắc bệnh bẩm sinh, số khác sau khi trải qua những sang chấn do áp lực cuộc sống, những cú sốc do tình cảm, công việc, học tập hay bị tai nạn chấn thương, trở thành bệnh nhân tâm thần. Mỗi bệnh nhân ở đây có một tính cách khác nhau, người trầm tính, ít nói, cũng có người hung hăng, điều cần thiết là cán bộ y tế phải nắm bắt tâm lý từng người để có hướng tiếp cận, điều trị phù hợp.

Với anh Cao Văn Hóa, cán bộ y tế tại trung tâm, từ 10 năm trước, khi thấy tin tuyển dụng của trung tâm, được biết đây là cơ sở đặc thù, anh vẫn muốn đem hiểu biết, kiến thức chuyên môn để phục vụ bệnh nhân. Anh tâm niệm, luôn coi bệnh nhân như người nhà, cần chịu khó, nhẫn nại và hơn hết là phải tận tâm với công việc.

Ngô Nguyễn Huy Hoàng, y sĩ tại Trung tâm BTXH tỉnh, đã công tác ở đây được 2 năm rưỡi. Với y sĩ trẻ này, thời gian anh ở lại trung tâm còn nhiều hơn ở nhà. Mỗi ngày, anh cùng trò chuyện với bệnh nhân, thăm khám, theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân.

Đội ngũ cán bộ y tế ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh gồm 5 y sĩ đa khoa, 2 điều dưỡng (hệ cao đẳng), 10 hộ lý và 1 quản lý kho dược. Các hộ lý giúp bệnh nhân tắm rửa, cơm nước, trang cấp quần áo, giày dép, sinh hoạt cá nhân. Cán bộ điều dưỡng, y sĩ đa khoa phụ trách từng nhóm bệnh nhân, theo dõi tình hình sức khỏe, cấp phát thuốc. Điều đặc biệt là nhân viên y tế thường gọi bệnh nhân bằng tên và nhớ rõ đặc điểm bệnh, hoàn cảnh của họ dù số lượng bệnh nhân lên đến hơn 500 người.

Gắn bó

Khó khăn lớn nhất là theo dõi bệnh tình cho người tâm thần không giống với người bình thường, bởi chính họ cũng không biết mình đang đau ở đâu, đang đau cái gì để báo cho cán bộ y tế biết chẩn đoán và tìm hướng điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân đôi khi “nóng lạnh” thất thường, có thể trở nên hung hăng bất chợt. Cô cán bộ y tế trẻ Lê Quỳnh Trang là người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân nữ nhất chia sẻ, những ngày đầu mới đi làm, Trang từng bị bệnh nhân vác ghế đuổi đánh, phải nhờ bảo vệ can thiệp để giữ an toàn. Dù gặp phải một phen “hú vía”, cô vẫn quyết tâm theo đuổi nghề, bởi cô thương bệnh tình và hoàn cảnh của bệnh nhân.

Những cuộc chuyện trò thân mật, những lời hỏi thăm vừa là nghiệp vụ chẩn bệnh, điều trị của cán bộ trung tâm vừa là cách để họ giúp bệnh nhân khuây khỏa, hợp tác điều trị và nối lại dần những mối dây đã đứt với xã hội. Câu chuyện của người tâm thần thường mông lung, rời rạc thường được kể lại trong những nỗi niềm ngô nghê, bởi những bệnh nhân ở đây luôn ở giữa lằn ranh của tỉnh và mê, của thực tại và một cõi xa xôi nào đó.

Sau khi điều trị tích cực, bệnh ổn định, người bệnh sẽ được bố trí tham gia lao động trị liệu. Căn cứ vào sở trường, độ tuổi, tình trạng sức khỏe của mỗi người mà sắp xếp, phân công cho phù hợp như trồng rau sạch, làm giá đỗ, khuôn đậu hay nuôi lợn… Chính họ tạo ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống của mình. Ngoài ra, trung tâm đã tổ chức được nhiều lớp đào tạo nghề cho bệnh nhân và tổ chức cho bệnh nhân tham gia lao động sản xuất.

Điều khiến đội ngũ cán bộ y tế của trung tâm day dứt là, những trường hợp bệnh nhân không tìm được người thân. Nhiều người có gia đình hẳn hoi, nhưng bị bỏ rơi trong những năm tháng bệnh tật. Với nhiều bệnh nhân, từ lâu chỉ còn trung tâm là nhà.

Anh Nguyễn Việt Chung, tâm sự: “Niềm vui lớn nhất với chúng tôi là được nhìn thấy bệnh nhân tiến triển tốt hơn, được hòa nhập với cộng đồng”. Nhiều bệnh nhân khi rời khỏi trung tâm đã viết những bức thư tay gửi cho người cán bộ y tế cần mẫn. Những bức thư đó được anh giữ mãi, đọc đi đọc lại, thuộc cả nét chữ. Nhiều người khác lại đến tận nhà gửi cho anh một món quà quê, mỗi lúc đó, anh xúc động không nói nên lời.

Ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chia sẻ: “Trung tâm vừa tiếp quản học viên cai nghiện, vừa có bệnh nhân khuyết tật nặng và đặc biệt nặng về thần kinh. Các bệnh nhân còn mắc phải nhiều bệnh lý khác. Để có thể gắn bó với nghề, người cán bộ y tế không chỉ cần giỏi chuyên môn mà phải có tâm, tình thương với bệnh nhân”.

Bài, ảnh: Phước Ly