Ông T. Th (70 tuổi), trú tại thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) sinh sống bằng nghề làm nông. Do muốn có đất để trồng cây keo tràm, từ ngày 25/6/2018 đến ngày 01/7/2018, ông Th. đến một khu vực rừng tự nhiên thuộc loại rừng sản xuất tại thị trấn Lăng Cô, dùng rựa chặt, phá những cây nhỏ và dùng máy cưa hạ những cây gỗ có đường kính gốc từ 10 cm trở lên. Tổng diện tích rừng ông Th. chặt phá, hủy hoại là 6.750 m2. Trữ lượng gỗ lô rừng bị thiệt hại 39,86 m3. Tổng giá trị thiệt hại 42.808.400 đồng.

Đến ngày 3/7/2018, lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ Bắc Hải Vân phát hiện, đã phối hợp với UBND thị trấn Lăng Cô và Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc xác minh làm rõ, chuyển vụ việc cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Lộc. Quá trình điều tra, bị cáo đã thỏa thuận bồi thường cho các nguyên đơn dân sự, cụ thể: Bồi thường cho Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân 19.395.600 đồng; bồi thường cho UBND thị trấn Lăng Cô 6.011.700 đồng. Theo đó, bị cáo chỉ mới thực hiện bồi thường cho Ban quản lý Rừng phòng hộ 2.000.000 đồng.

Nhận định tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi của bị cáo thực hiện là nghiêm trọng, hủy hoại rừng tự nhiên, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nguy hiểm cho xã hội, xét thấy cần xử phạt cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung và đấu tranh với loại tội phạm này.

Từng chống chế, không biết đó là rừng thuộc quản lý của Nhà nước nên khai hoang để sản xuất, nhưng quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã khai nhận hành vi cố tình phạm tội của mình. Mặt khác trước đó, vào năm 2016, ông Th. đã bị UBND thị trấn Lăng Cô lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi nêu trên, bị xử phạt với số tiền 4 triệu đồng, chứng tỏ bị cáo biết nhưng vẫn cố tình phạm tội.

Sau khi nghe hội đồng tuyên án, bị cáo (đang được tại ngoại) thẫn thờ, lo lắng. Nhiều người dự khán cũng không khỏi cám cảnh khi tuổi tác bị cáo đã cao, lại phải “đối mặt” với những ngày tháng chấp hành hình phạt trong trại giam.

Trong hạn luật định, bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Cuối tháng 9/2019, tại phiên tòa phúc thẩm, xét bị cáo tuổi già, bệnh tật, TAND tỉnh quyết định giảm hình phạt cho bị cáo, tuyên bố bị cáo Th. phải chấp hành 9 tháng tù.

Đây là bài học với tất cả người dân cần phải nâng cao ý thức trong chấp hành pháp luật, bảo vệ rừng. Đồng thời vụ án này cũng là “lời nhắc nhở” đối với các cơ quan liên quan có trách nhiệm, không thể để xảy ra sự lỏng lẻo trong quản lý, bảo vệ rừng. Trong vụ án này, nếu các cơ quan quản lý phát hiện, ngăn chặn sớm thì bị cáo không có “cơ hội” chặt phá, hủy hoại trên diện tích 6.750 m2.  Sự lỏng lẻo trong quản lý chính là kẽ hở để một số đối tượng thiếu ý thức thực hiện tội phạm, gây ra những vụ án hủy hoại rừng rất đáng tiếc trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nguy hiểm cho xã hội.

QUỲNH ANH