Một trong những loài chim đặc hữu được phát hiện ở khu vực đầm Cầu Hai
Đa dạng
Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai gồm 7 kiểu ĐNN: thảm cỏ biển; bãi vùng gian triều; rừng ngập mặn; vùng nước cửa sông; đầm phá ven biển; ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản và đất canh tác nông nghiệp.
Theo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (TN&MT), Viện TN&MT biển khi thực hiện điều tra, khảo sát xây dựng Khu bảo tồn ĐNN Tam Giang - Cầu Hai, tổng số loài sinh vật trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rất phong phú, với 1.296 loài thuộc các nhóm: thực vật (bậc cao, phù du, rong và thực vật, thủy sinh), chim, bò sát, lưỡng cư, cá, động vật phù du, thân mềm, giáp xác, giun nhiều tơ.
Nhờ tính đa dạng các kiểu hệ sinh thái ĐNN, cùng với sự biến đổi môi trường phức tạp đem lại sự đa dạng cao về số loài sinh vật trong khu vực.
Theo những ngư dân vùng đầm phá, mấy năm trở lại đây, một số loài tôm, cá đặc hữu dọc vùng ven phá, cửa sông xuất hiện trở lại và có một số loài xuất hiện khá nhiều, như các loại cá bống, nâu, tràng, ong...; tôm rảo, tôm rằn, cua…Rong câu ở một số vùng đầm phá phát triển nhiều và cũng là điều kiện để các loài động, thực vật thủy sinh khác phục hồi, sinh sôi.
Tuy có sự phục hồi của một số loài, song hiện khu ĐNN đang chịu tác động bởi nhiều áp lực: từ các hoạt động kinh tế của cộng đồng địa phương như: nuôi trồng, khai thác thủy sản, phát triển du lịch, chăn nuôi gia súc gia cầm, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; từ các công trình như đập ngăn mặn, bến cảng và biến đổi khí hậu.
Vùng cửa sông Ô Lâu là nơi di trú của nhiều loài chim
Theo chuyên gia của Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, sau thời gian từ khi bắt đầu thiết kế dự án đến điều tra thực tế, đã có nhiều thay đổi, như rùa biển xuất hiện, nhưng số loài chim lại giảm đi, trong khi đó các loài sinh vật ngoại lai như ốc bươu vàng, bèo tây, mai dương phát triển mạnh.
Điều chỉnh, đảo vùng hợp lý
Khu bảo tồn ĐNN Tam Giang - Cầu Hai dự kiến thành lập theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019-2020) có diện tích 2.033,8ha; trong đó: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 813,3ha, phân khu phục hồi sinh thái là 1.203,4ha, phân khu hành chính dịch vụ 17ha; chia làm 3 phân vùng chính: Ô Lâu, Cồn Tè - Rú Chá và các khu bảo vệ thủy sản hiện có. Hiện, Sở TN&MT đang phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Viện TN&MT biển cùng chính quyền các cấp rà soát, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn. |
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, ngoài mục tiêu hướng đến phát triển bền vững nguồn lợi, tiến tới phục hồi nguyên trạng các giá trị về đa dạng sinh học và các chức năng hệ sinh thái, khu bảo tồn ĐNN còn cần sự tham gia của cộng đồng, cùng chia sẻ lợi ích. Vì vậy, việc thành lập khu bảo tồn này cần kết hợp bảo tồn với phát triển kinh tế như thế nào cho hài hòa, hợp lý, dựa trên những lợi thế của từng vùng đầm phá.
Trong quá trình phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát để hoàn thiện dự án thành lập Khu bảo tồn ĐNN Tam Giang- Cầu Hai, Sở TN&MT ghi nhận phát sinh vướng mắc vì có một số khu vực chồng lấn, đụng đến diện tích khu bảo vệ nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn ĐNN đang thiết lập, như ở Rú Chá (Hương Phong, TX. Hương Trà), khu bảo vệ thủy sản hòn núi Quện (Lộc Bình, Phú Lộc), ven phá xã Lộc Điền (Phú Lộc). Trong đó, dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vui chơi Rú Chá của Công ty TNHH Rạp chiếu phim - Thể thao và giải trí Ngôi sao Huế được UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư đang nghiên cứu triển khai có diện tích chồng lấn phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn ĐNN Tam Giang - Cầu Hai khoảng 19ha và cũng là phần chồng lấn theo phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TX. Hương Trà đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với sự chồng lấn này, qua rà soát, theo Sở TN&MT có thể điều chỉnh; đồng thời đề xuất đưa diện tích rừng ngập mặn ở xã Quảng Lợi vào vùng bảo vệ nghiêm ngặt, thay thế diện tích bị chồng lấn ở Rú Chá.
Ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh phần diện tích rừng trồng ngập mặn được mở rộng rất lớn trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Sở TN&MT nhận thấy cần thiết phải bổ sung phần diện tích rừng trồng ngập mặn này vào các phân khu chức năng để được bảo tồn và phát huy hết giá trị của đầm phá khi khu bảo tồn được thành lập.
Bài, ảnh: Hoài Thương