Thành phố Hồ Chí Minh ô nhiễm không khí, khói mù giăng kín. Ảnh minh họa: Thanh Niên

Đây là tuyên bố được đưa ra sau khi các bộ trưởng kết thúc phiên Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 15 của ASEAN về môi trường và Hội nghị ASEAN lần thứ 15 về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, cùng các cuộc họp liên quan khác diễn ra tại thành phố Siem Reap, Campuchia.

“Các bộ trưởng bày tỏ mối lo ngại rất lớn về mức độ nghiêm trọng và sự lây lan của khói mù sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong khắp khu vực ASEAN, mà cụ thể là tại miền Nam và miền Bắc. Ngoài ra, các vị lãnh đạo cũng bày tỏ sự cảm thông với hàng triệu dân bị ảnh hưởng bởi khói mù”, nội dung bản tuyên bố ghi rõ.

Theo đó, các quốc gia trong khu vực ASEAN cam kết sẽ cảnh giác, cùng lúc kết hợp theo dõi và đẩy mạnh những nỗ lực phòng ngừa khói mù nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra tình trạng xuất hiện khói mù xuyên biên giới khi thời tiết trở nên khô hơn. Thêm vào đó, hội nghị cũng ghi nhận nỗ lực của Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC) đối với việc đưa ra các đánh giá khách quan và đáng tin cậy cho khu vực ASEAN về dự báo thời tiết và khí hậu, về giám sát, đánh giá và đưa ra những cảnh báo sớm nhất về hiện tượng khói mù xuyên biên giới.

Trong khuôn khổ hội nghị, bộ trưởng các nước đã tiến hành xem xét việc thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP), đồng thời tái khẳng định cam kết của các nước thông qua những nỗ lực của quốc gia và hợp tác khu vực để thực hiện hiệu quả AATHP, cũng như Lộ trình hợp tác ASEAN đối với công tác kiểm soát khói mù xuyên biên giới để đạt được mục tiêu xây dựng khu vực ASEAN không khói mù vào năm 2020. Được biết, giới lãnh đạo khẳng định, đây là việc làm cần thiết và phải xúc tiến chuỗi hành động để đạt mục tiêu chung càng nhanh càng tốt.

Bên cạnh rà soát và xem xét tình hình khu vực, xác định mục tiêu hành động, các vị bộ trưởng cũng có lời khen ngợi cho những đóng góp của Tiểu ban chỉ đạo cấp bộ trưởng về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trong tiểu vùng sông Mekong khi luôn sẵn sàng cung cấp hỗ trợ, như triển khai các nguồn lực kỹ thuật phục vụ chữa cháy trong những tình huống ứng phó khẩn cấp nếu được yêu cầu.

Động thái được triển khai trong bối cảnh Bộ trưởng Môi trường Campuchia Say Samal cho biết, khói mù đã và đang để lại tác động vô cùng xấu trên môi trường tự nhiên và đe dọa đến sự phát triển, quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Vị lãnh đạo khẳng định: “Vẫn còn rất nhiều việc cần làm để cùng nhau loại bỏ khói mù. Chúng ta không thể cho phép những thiệt hại về môi trường, kinh tế và xã hội gây ra bởi ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trở thành hiện thực”.

Để tiến gần hơn đến mục tiêu về một khu vực ASEAN không khói mù vào năm 2020, các quốc gia thành viên cần đẩy mạnh nỗ lực chung và hợp tác tiến bộ để ngăn chặn ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Xinhua News)