Nhân viên BHXH huyện Phong Điền vận động tiểu thương chợ Phò Trạch tham gia BHXH tự nguyện
Mỗi người một kiểu
Suy đi rồi nghĩ lại, cuối cùng o Ngô Thị Diệp Hương ở xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) quyết định mua BHXH tự nguyện. Chồng việc làm không ổn định, còn lại mẹ già và 3 con nhỏ, o trở thành vai chính lo “cơm áo gạo tiền”. Thời buổi này, nghề thợ may chẳng khá giả chi, nhưng chả lẽ có “đồng nào xào đồng nấy”, về già sao đây? O thiệt thà, BHXH tự nguyện chi trả không nhiều chế độ như BHXH bắt buộc, nhưng cứ coi như “nuôi heo đất”.
Cũng là chuyện “lo cho thân già” kia mà nhiều người mua BHXH tự nguyện đã nghĩ là quyết mua. Nghe chị Nguyễn Thị Thủy, cũng là thợ may ở chợ Phò Trạch (Phong Điền) kể chuyện mà thương. Nhà có con heo đất, chiều đi làm về, chị bỏ ống 15.000 đồng/ngày, một quý lại đập heo, đóng BHXH tự nguyện 1.500.000 đồng. Kiểu bỏ ống tằn tiện thế nớ mà chị Thủy còn dám thừa thắng xông lên, lo luôn cái khoản “sau này” cho cậu con trai làm đồng đang tuổi sung sức. Chị cười, tháng nào khó khăn, đã có chị em tiểu thương trong chợ sẵn sàng cho mượn.
Cũng mua BHXH tự nguyện nhưng mỗi người một vẻ. Chị Ngô Thị Hương Khuê ở xã Lộc Bình (Phú Lộc) là một trong số trong 50 người tham gia BHXH tự nguyện ở Thừa Thiên Huế được nhận lương hưu. Chị là giáo viên mầm non, đến tuổi về hưu vẫn còn thiếu 1 năm 4 tháng đóng BHXH. Thế nên, chị tham gia BHXH tự nguyện để sau đó được nhận lương hưu. Tôi hiểu, đồng lương hưu chẳng là bao, nhưng đó không chỉ là chỗ dựa, là niềm tự hào được là “cán bộ hưu trí” của chị.
Là Chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Điền Lộc (Phong Điền), ông Trần Đình Khôi không chỉ lo đóng BHXH tự nguyện cho bản thân mà còn cho cả hàng chục xã viên. Ông kể, “có người gắn bó với HTX gần 30 năm, song chưa bao giờ được tham gia BHXH. Quy định, lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc. Do mức thu nhập của xã viên rất thấp, tầm 2 triệu đồng/tháng, phải đóng BHXH bằng mức lương tối thiểu vùng nên không ai mặn mà. Vậy nên, chúng tôi trích quỹ phúc lợi để đóng BHXH tự nguyện cho xã viên”.
Nghe những chuyện kể và cũng từng gặp nhiều người mua BHXH tự nguyện mà tôi cảm động vô cùng. Cái sổ bảo hiểm của cán bộ tỉnh như tôi nhẹ tựa … bông gòn. Ra trường đi làm là có BHXH bắt buộc. Tất tần tật đã có Nhà nước lo từ A tới Z cho tới ngày nhận được sổ hưu. Còn với những người như chị Thủy, o Diệp Hương... đó là cả sự chắt chiu. Nó có vị mặn của mồ hôi với bao vất vả và lo toan.
Đến từng nhà vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện
Bưu điện cùng vào cuộc
Cũng bởi đó là đồng tiền khó nên với những người như chị Thủy, chị Khuê… BHXH tự nguyện cần phải cho họ thấy cái lợi khi tham gia, thông qua tuyên truyền và vận động.
Từ năm 2014, Bưu điện Việt Nam trở thành đại lý chính thức của BHXH Việt Nam. Người dân tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng là kết quả của sự nhập cuộc có hiệu quả của ngành bưu điện bên cạnh đại lý thu UBND các xã/phường/thị trấn. Trong số 5.500 người mua BHXH tự nguyện ở Thừa Thiên Huế đến ngày 31/9/2019 có khoảng 2.000 người thuộc quản lý của Bưu điện.
Bưu điện Thừa Thiên Huế hiện có 172 điểm phục vụ/152 xã, phường và có mạng lưới nhân viên hoạt động đến thôn; luôn cơ động và hiểu biết địa bàn, đến từng hộ dân. Ba tháng đầu năm 2019, Bưu điện tổ chức được 37 hội nghị tuyên truyền trực tiếp và có 436 người tham gia BHXH tự nguyện mới.
Tôi đã nhiều lần tham dự các hội nghị này. BHXH huyện cùng tham gia đã bổ sung thêm những vấn đề về BHXH tự nguyện để người dân hiểu, vận động họ tham gia. Nhân viên đại lý thu bưu điện trực tiếp đến tận nhà dân trước và sau khi tổ chức hội nghị để tuyên truyền, vận động. Bưu điện thường tổ chức các hội nghị tuyên truyền vào ban đêm, ngày thứ bảy, chủ nhật để tạo điều kiện cho người dân là lao động tự do tham gia.
Từ tháng 5/2019, Bưu điện Thừa Thiên Huế ra mắt kênh tuyên truyền qua mạng xã hội. Tổ bán hàng công nghệ được xem là một phương thức rất phù hợp vì có thể tiếp cận được các đối tượng là người lao động tự do, nhất là người trẻ, thông qua các hình thức hỏi đáp - tư vấn trực tiếp, được phản hồi nhanh chóng... Đã có 200.000 lượt người xem, 6.000 lượt người tương tác và có 450 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện từ mạng xã hội.
Mới đây có dịp lên A Lưới, tôi được biết, sau khi đăng ký lần đầu tại hội nghị tuyên truyền, khách hàng chỉ cần đến điểm giao dịch bưu điện gần nhất để đóng tiền. Không đi được, chỉ cần a - lô là có nhân viên bưu điện đến thu tận nhà. Phát triển được một đối tượng, bưu tá đến nhận tiền mang lên nộp cho Bưu điện huyện để chuyển cho cơ quan BHXH. Sau khi làm xong sổ, lại có nhân viên bưu điện lấy ngay trong ngày, chuyển theo đường bưu tá cho người dân. Mọi thứ rành mạch và rõ ràng. Người dân khỏe re!
Hướng dẫn người dân tham gia BHXH tự nguyện ở phường Thủy Biều (TP. Huế)
“Mưa dầm, thấm lâu”
Năm 2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Thừa Thiên Huế là 3.397 người, đứng thứ 3 toàn quốc. Tính đến hết 31/9/ 2019, tăng lên trên 5.500 người. |
Mua BHXH tự nguyện để có cuốn sổ hưu là mơ ước của bao người. Thế nhưng, tự nguyện bỏ tiền ra mua lại là câu chuyện không dễ. Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ tới chị Thủy ở Phò Trạch. Để có được 1.500.000 đồng cho một quý đóng BHXH tự nguyện, chị phải 100 ngày đều đặn bỏ ống rồi đập ống, nó da diết và kỳ công lắm chứ!
Anh Võ Vy, nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện tại phường Tây Lộc (TP. Huế) cho hay: “Lao động trong phường làm lắm nghề. Họ ít khi có đủ tiền để đóng BHXH tự nguyện hàng quý hay cả năm mà đóng theo tháng. Nhân viên đại lý thu BHXH phải nhiệt tình, trách nhiệm mới đảm nhận được công việc này”. Để phát triển đối tượng, anh Vi phải đến từng nhà để tuyên truyền, vận động. Nhà nào khó khăn, anh còn bỏ tiền ra cho mượn để tham gia.
Hãy nghe anh Đào Duy Út ở thị trấn Thuận An (Phú Vang), đại lý thu tiêu biểu trong toàn tỉnh, người đã vận động trên 50 người tham gia BHXH tự nguyện chia sẻ, muốn người dân tham gia, không đơn thuần là đến nhà, mà phải tuyên truyền để họ hiểu được lợi ích có lương hưu khi về già. Anh luôn gần gũi với bà con, tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi theo cách “mưa dầm, thấm lâu”.
Ở thôn A Niêng (Hồng Trung, A Lưới), bà Hồ Thị Đào, một đại lý thu, chân chất: Khi người dân đến nhận bưu phẩm, đóng tiền điện hàng tháng... tôi đều tranh thủ giới thiệu về BHXH tự nguyện. Tôi còn đi đến nhà, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu. Sau đó, tôi tư vấn cặn kẽ cách thức tham gia thế nào, mức đóng ra sao, lúc nào có thể hưởng lương hưu... để người dân yên tâm tham gia”.
Hình ảnh cán bộ BHXH và nhân viên đại lý thu “bám làng, bám dân”, thậm chí xuống tận nơi, gặp gỡ các nhóm đối tượng tiềm năng để tư vấn giúp họ hiểu được lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, gần đây đã trở nên quen thuộc ở các thôn, làng Thừa Thiên Huế. Tôi hiểu, với hỗ trợ ít ỏi từ Nhà nước, họ đã làm việc bằng tấm lòng thành, không chỉ giúp những người dân nghèo như chị Thủy, o Hương... biết cách chuẩn bị để có được cái sổ hưu cho tuổi già, mà còn góp phần đưa một chính sách có ý nghĩa an sinh cao đẹp của Đảng vào cuộc sống.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 1.100 nhân viên đại lý thu, gồm trên 780 người là đại lý thu UBND xã, 200 người là đại lý thu Bưu điện tỉnh và trên 80 người là đại lý thu Công ty Bảo hiểm PVI Huế.
Bài, ảnh: Thu Huế