Thạc sĩ Lê Vĩnh Chiến, Chủ nhiệm đề tài, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đây là đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia được thực hiện với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về hạ tầng không gian đô thị cấp tỉnh phục vụ quy hoạch quản lý và phát triển đô thị hướng đến xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam, được triển khai thí điểm tại Thừa Thiên Huế.

Đề tài hướng đến việc xây dựng chuẩn CSDL GIS về hạ tầng dữ liệu không gian đô thị cấp tỉnh; Xây dựng CSDL GIS (2D, 3D) phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, từ đó làm chủ các công nghệ then chốt trong xây dựng nền tảng hạ tầng SDI, chú trọng ứng dụng công nghệ 3D-GIS.

Phó Chủ tịch UBND Phan Thiên Định yêu cầu Đề tài sau khi triển khai phải áp dụng vào thực tiễn

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đã và đang hoàn thiện hệ thống thông tin địa lý – GISHue phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định phát triển kinh tế - xã hội và đô thị công nghiệp bền vững. Đồng thời, tỉnh cũng đang thực hiện chiến lược phát triển tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng “Di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Sản phẩm của đề tài có tính chuyên biệt, ngoài phục vụ các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, còn phục vụ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.

Cùng với sự tương đồng về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và hạ tầng cơ sở của các tỉnh, thành trên toàn quốc, việc ứng dụng Đề tài trong thực tiễn không những góp phần nâng cao tính minh bạch thông tin cũng như khả năng phục vụ người dân mà còn dễ dàng kế thừa, chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành một trong những tỉnh đầu tiên vận dụng nền tảng GIS và SDI vào công tác điều hành tác nghiệp trên thực tiễn, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khẳng định, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm ứng dụng CNTT vào công tác quản lý; gần đây nhất, mô hình trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh đi vào hoạt động đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Để việc triển khai Đề tài nghiên cứu có kết quả cao nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị nỗ lực, thực hiện có chất lượng; làm sao khi triển khai xong thì đơn vị thụ hưởng có thể áp dụng vào thực tiễn, đi vào thực tế. Nhất là việc thực hiện Đề tài phải gắn với các phần mềm hoạt động, tác nghiệp của các đơn vị ở địa phương.

Tin, ảnh: Liên Minh