Thảo luận nội dung "Viết gì cho khởi nghiệp sáng tạo?"

Tham gia hội thảo, gồm có các khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; đại diện các dự án khởi nghiệp nổi bật, đại diện 12 đơn vị truyền thông tham gia Đề án 844 và người làm truyền thông về khởi nghiệp tại hơn 20 tỉnh thành: Phú Thọ, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn...

Trong nhiều năm qua, kể từ thời điểm Đề án 844 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, khái niệm khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đã được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, những câu chuyện truyền thông hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu được đồng hành của các doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như nhiều người làm truyền thông vẫn còn lúng túng khi chọn chủ đề trong lĩnh vực này.

Khắc phục hạn chế đó, trong năm 2019 Đề án 844 triển khai "Hành trình khám phá các miền đất khởi nghiệp" nhằm tiếp tục hỗ trợ đội ngũ phóng viên và người làm truyền thông về khởi nghiệp ở các địa phương nâng cao kỹ năng tuyên truyền mang lại hiệu quả thực tế, góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái địa phương.

"Hành trình khám phá các miền đất khởi nghiệp" năm 2019 dừng chân tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Thủ đô Hà Nội. Tại các điểm đến, các đoàn vừa trải nghiệm thực tế các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp, vừa gặp gỡ các chủ thể khởi nghiệp cụ thể. Hội thảo cũng là dịp để các đoàn hành trình tổng kết, chia sẻ thông tin và kết nối tạo thành một hệ thống báo chí địa phương hỗ trợ tích cực cho khởi nghiệp sáng tạo.

Viết gì cho khởi nghiệp sáng tạo?

Xoay quanh câu hỏi trọng tâm: "Viết gì cho khởi nghiệp sáng tạo?", Hội thảo đã nghe chia sẻ nhu cầu từ 3 dự án khởi nghiệp điển hình, kinh nghiệm của các khách mời cũng như kinh nghiệm của các nhà báo và người làm truyền thông ở các địa phương.

Theo đại diện dự án Ella Study - nền tảng trực tuyến kết nối du học sinh trong nước và quốc tế, trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo cần truyền thông hỗ trợ qua nhiều giai đoạn. Vì truyền thông với khởi nghiệp như con dao hai lưỡi, nên truyền thông khi thực hiện hoạt động này cần phải có thông tin minh bạch, đa chiều và ko nên 'đẩy' quá xa khi ý tưởng/dự án sản phẩm chưa mang lại những giá trị đích thực, hoặc chưa thực sự hoàn thiện.

Viết gì cho khởi nghiệp sáng tạo? Theo các nhà báo và người làm truyền thông các địa phương, đó là giới thiệu về các mô hình điển hình, vai trò của các nhà đầu tư, cách thức nhận diện và kết nối với các nhà đầu tư, hệ thống pháp lý và chính sách để các dự án khởi nghiệp phát triển...

Theo ông Hoàng Quốc Lê, khách mời đến từ Trung tâm  Tin tức VTV 24, có nhiều lý do khiến các nhà báo và người làm truyền thông bị các doanh nghiệp khởi nghiệp từ chối. Do vậy, cách tốt nhất để mỗi phóng viên tiếp cận được các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp là sống trong bầu không khí khởi nghiệp của họ, kết nối và tạo được mối quan hệ đủ tin cậy, sẵn sàng chia sẻ.

Trong khi đó, từ kinh nghiệm của bản thân, ông Cao Xuân Nhật, Phó Giám đốcTrung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam lại đề nghị, những người làm công tác truyền thông về khởi nghiệp từ khắp các vùng miền cần kết nối chặt chẽ, tạo thành mạng lưới bền vững và hỗ trợ tích cực lẫn nhau. Làm được điều này, mạng lưới sẽ tận dụng được hiệu quả hoạt động của mỗi thành viên, từ đó nâng cao hiệu quả hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo từ góc độ truyền thông.

Đến thời điểm này, có thể nói "Hành trình khám phá các miền đất khởi nghiệp" năm 2019 của Đề án 844 đã thành công. Sự thành công ấy không những đã kết nối được mạng lưới người làm công tác truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo ở các địa phương mà còn hỗ trợ mỗi thành viên của mạng lưới ấy nâng cao kỹ năng truyền thông về lĩnh vực này. Theo thời gian, mạng lưới này sẽ tiếp tục được kết nối và mở rộng với sự tham gia của nhiều địa phương hơn nữa.

Bài, ảnh: Đồng Văn