Vườn ươm sâm Bố Chính tại A Lưới
Sau những chuyến săn “thần dược”
Dọc theo cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại không khó bắt gặp cảnh mua bán những loại dược liệu được người dân vùng cao săn tìm trong những cánh rừng heo hút. Độ 5 năm trở lại đây, dược liệu vùng cao được nhiều người đồng bằng ưng bụng. Có loại công dụng đã được khoa học chứng minh, nhưng không ít loài thông tin chỉ qua lời đồn thổi.
Bà Viên Thị Ngo (xã Bắc Sơn, huyện A Lưới) trải tấm bạt phủ lớp bụi mờ trên vỉa hè đường Hồ Chí Minh, vội đổ số dược liệu đựng trong a chói được chồng con lặn lội suốt cả tuần hái tận rừng sâu. Thoáng chốc, khoảng 3kg dược liệu được khách hàng hỏi mua.
“Đó là nấm lim xanh cổ cò, thứ dược liệu mà dân đồng bằng rất ưng, giá 2,5 triệu đồng/kg khô. Trong số các loại nấm, loại đó đắt và hiếm nhất. Chồng và con trai tui phải vất vả lắm mới kiếm được vì hái được thứ nấm này phải vào tận khu vực rừng giáp ranh biên giới Lào”, bà Ngo chia sẻ.
Bà Ngo bảo rằng, mua bán dược liệu tại miền sơn cước cũng như chuyện con nai, con mang. Có cầu ắt có cung. Một thời, dân lắm tiền nhiều của thích thịt rừng, muông thú thì ngay lập tức những chiếc bẫy lớn nhỏ hàng ngày được người dân đặt trong rừng sâu. Nhà nước cấm không cho săn bắt động vật hoang dã, người dân cụt đường “làm ăn” rồi đến với dược liệu.
Một loại sâm được ông Khả "thuần hóa"
“Nói thiệt với chú chơ tụi tui có nghề nghiệp chi mô, đất rẫy thì ít nên sống dựa vào lâm sản. Chừ Nhà nước cấm khai thác gỗ, bắt thú nên tụi tui phải khai thác những thức khác để mưu sinh. Ở A Lưới nhiều người vô rừng hái nấm lim xanh lắm. Ngày trước khi nguồn nấm còn dồi dào mỗi ngày hái được vài cân, nhưng nay nhiều người đổ xô đi hái nên dần cạn kiệt rồi”, bà Ngo nói.
Dược liệu ngày một vơi cạn nhưng lạ thay dọc các tuyến đường xuyên qua núi hàng ngày vẫn đều đặn có người mua kẻ bán. Để rõ ngọn nguồn câu chuyện, tôi tìm gặp ông Hồ Xuân Khả (60 tuổi, thôn A So 2, xã Hương Lâm, huyện A Lưới). Ông Khả là tay săn dược liệu có tiếng ở vùng cao A Lưới. Không phải bây giờ mà khoảng 3 thập kỷ trước, ông đã nổi danh sau những chuyến băng rừng tìm lá thuốc. Từ cuộc chuyện trò với ông, tôi biết rằng săn dược liệu vùng cao luôn muôn năm cũ, và có cả những câu chuyện “dở khóc dở cười” đằng sau củ sâm, lá thuốc được người dân lục lọi khắp các cánh rừng. “Nếu vàng không hiếm thì có giá trị hay không? Dược liệu không quý thì người mua có nhiều không?”, ông Khả cắc cớ trước khi mở đầu câu chuyện băng rừng tìm “vàng xanh”.
Ông Khả nói về đệ nhất sâm Ngọc Linh râm ran một thời ở núi rừng A Lưới. Lúc ấy, qua những lời rỉ tai, bà con dân bản mù mờ biết về loại “thần dược” được so sánh với các loại sâm Cao Ly thượng hạng từ vùng miền núi xa xôi tỉnh Quảng Nam. Rồi họ ồ ạt vào rừng sâu, ròng rã mấy tháng trời để kiếm tìm sâm Ngọc Linh, có người bị nạn trên đường đi, thậm chí mất mạng. Thành quả sau nhiều chuyến băng rừng, đối diện hiểm nguy là vài củ sâm mà người dân đinh ninh là Ngọc Linh.
“Bà con A Lưới chưa khi mô trực tiếp thấy sâm Ngọc Linh. Họ chỉ nghe đồn về hình dáng của sâm rồi vào rừng tìm kiếm. Tìm được sâm, họ thu giấu rất kỹ, tuyệt đối không cho ai thấy, chỉ khi có đại gia hay thương lái hô giá thật cao mới mang ra. Tuy nhiên, sau đó xác định chỉ là những loại rễ cây thông thường. Dù tiếc nuối nhưng cũng đành vứt bỏ”, ông Khả hé lộ, rồi xua tay với ý định về một chuyến thực tế bởi lý do loại sâm này không dễ kiếm tìm.
Ông Khả với những dược liệu được trồng tại vườn riêng
Trước khi trở thành tay săn dược liệu, ông Khả được tổ tiên truyền dạy về công dụng và cách nhận biết các lá thuốc. Bây giờ, khu vườn nhỏ phía sau nhà ông, nhiều cây thuốc quý được lưu giữ. Ông xem đó là thành quả đáng quý sau hơn nửa đời người băng rừng tìm thuốc.
“Muốn hái lá thuốc bắt buộc phải biết nhận dạng và cách thử vì có nhiều loại chứa độc tố cực mạnh. Một số loại dược rất quý, giá trị cao nhưng không phải ai cũng biết. Người dân chừ đã tỏ tường nhiều loại như, nấm linh chi, nấm lim xanh, sâm Pakit tự nhiên nên núi rừng A Lưới đã dần cạn kiệt. Những loại được dân làng bày bán dọc đường phần lớn không phải kiếm tìm từ núi rừng A Lưới mà tại các làng bản Lào xa xôi”, ông Khả cho biết.
Nấm linh chi được người dân bày bán dọc đường Hồ Chí Minh
“Sâm tiến vua” bén duyên vùng cao A Lưới
Trải qua hàng ngàn năm chọn lọc tự nhiên, những loại cây quý vẫn tồn tại giữa núi rừng A Lưới như minh chứng cho tiềm năng kinh tế lớn dưới tán rừng. Người dân đang “ăn của rừng” nhưng vẫn ấp ủ giấc mơ về những cánh đồng dược liệu ngay dưới tán rừng, nơi hàng ngày họ vẫn thường “tựa lưng”.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Chúng tôi vẫn biết khai thác không hợp lý rồi sẽ cạn kiệt nhưng vẫn phải làm vì mưu sinh”, ông Hồ Bông (xã Hương Lâm) nói.
Nếu không có giá trị thì hẳn không nhiều con dân làng bản cất công, bất chấp hiểm nguy kiếm tìm dược liệu. Ở A Lưới, thói quen “ăn xổi” vẫn ăn sâu vào tiềm thức của đa số người dân dù vẫn có người thích sưu tầm những cây quý, “thuần hóa” ngay trên chính khu vườn riêng.
Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới nói về dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” (dự án BCC) đang hỗ trợ người dân 7 xã miền ngược trồng sâm Pakit tím dưới tán rừng như mở đường cho họ tìm hướng đi mới.
“Thành công hay không vẫn chưa thể biết, nhưng sâm Pakit tím được người dân trồng khoảng 2 năm và đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt. Tại Việt Nam bây giờ dược liệu phải nhập đến 75%, do vậy tiềm năng về đầu ra giúp dự án này rất triển vọng”, ông Chinh thông tin.
Không chỉ sâm Pakit, ông Chinh liệt kê một loạt những cây quý còn sót lại ở miền sơn cước để chứng minh giá trị lẫn tiềm năng của dược liệu vùng cao. Nào là mấy chục loài nấm linh chi, lim xanh đến giảo cổ lam quý hiếm. Và ông tiết lộ về khu vườn rộng 5ha đang trồng sâm Bố Chính – một trong bốn loại sâm tốt nhất Việt Nam, một thời người Quảng Bình dùng để tiến vua trong triều đình nhà Nguyễn.
Để đưa loại sâm này đến vùng đất A Lưới, ông Chinh vào tận Đồng Tháp để chọn mua cây giống. Trước đó, qua nhiều năm nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, ông cho rằng vùng đất này phù hợp với “sâm tiến Vua”.
“Vườn sâm Bố Chính chúng tôi trồng đang trong giai đoạn phát triển tốt. 5 vạn cây giống được trồng hứa hẹn mở ra triển vọng mới, mang lại thu nhập cao. Chúng tôi cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường trong vòng 3 năm với một đối tác ở miền Nam. Mỗi năm phải cung ứng khoảng 60 tấn sâm. Nếu thành công sẽ nhân rộng cho người dân để nâng cao hiệu quả kinh tế”, ông Chinh nói.
Ngoài những mô hình kinh tế truyền thống, cây dược liệu hứa hẹn giúp người dân vùng cao chuyển mình nếu họ nhìn thấy được lợi ích, thay đổi tư duy khai thác tận diệt bằng việc phát triển bền vững dưới tán rừng. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đặt vấn đề với chính quyền địa phương về việc tạo ra một vùng chuyên canh cây dược liệu quy mô lớn trên vùng đất dọc đường Hồ Chí Minh.
“Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học mà còn giúp người dân ý thức trong việc giữ rừng. Sự liên kết, bổ trợ giữa rừng và cây dược liệu tạo ra hướng đi bền vững. Ý tưởng “Trồng sâm… chống phá rừng” khởi phát và đi vào thực tế đang cho thấy hiệu quả. Khi người dân nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình này sẽ lợi cả đôi đường”, ông Chinh chia sẻ.
Bài, ảnh: LÊ THỌ