Các kỳ tổng kết năm học, trường tổ chức trao phần thưởng cho học sinh học giỏi, quả thật đó là những ngày vui. Tuy trường làng, nhưng buổi lễ diễn ra trang trọng, chu đáo. Những món phần thưởng cuối năm học có ý nghĩa về cả vật chất lẫn tinh thần và mãi in vào ký ức tuổi thơ. Ngoài sách vở, bút mực, phần thưởng còn có những thứ mà tuổi niên thiếu chúng tôi rất thích như bộ áo quần mới, chiếc mũ đẹp, chiếc cặp sách, quả banh nhựa… Tốt nghiệp bậc tiểu học, đứng vị thứ nhất trường, còn được tặng thêm một quyển tự điển Việt - Pháp dày cộp rất vinh dự.

Khi lên cấp 2,  tôi vào học Trường THCS Nguyễn Tri Phương Huế. Là học sinh nghèo chăm chỉ nên hằng tháng tôi được trợ cấp học bổng đặc biệt. Số tiền được cấp đủ để trang trải cho tiền ăn. Mỗi dịp tết đến, xuân về, thông qua quỹ từ thiện, tiền đóng góp mang ý nghĩa tương thân tương ái của các học sinh gia đình khá giả, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức trao “Cây mùa xuân” cho học sinh nghèo hiếu học. Hầu như 4 năm cấp 2 (hồi ấy gọi là trung học đệ nhất cấp) tôi có đồng phục áo trắng, quần xanh tươm tất để đến trường phần lớn là nhờ nhận vải tặng từ “Cây mùa xuân” vào dịp đón Tết Nguyên đán hằng năm.

Khi học lên cấp 3, rồi đại học sư phạm, học bổng được nhận hàng tháng hoặc hằng quý vẫn là món quà thiết thực giúp cho những học sinh, sinh viên nghèo đắp đổi một phần chi phí sinh hoạt, sách vở…

Sau này, ra trường công tác tôi gặp nhiều bạn bè cùng hoàn cảnh nhà nghèo như tôi mà học hành thành đạt, ai cũng có cùng tâm sự là không bao giờ quên những chương trình học bổng đầy ý nghĩa nhân văn. Và từ đó suy nghĩ mình phải sống và làm việc như thế nào cho xứng đáng với tình thương của nhà trường, gia đình, thầy cô...

Định hướng giáo dục của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là “Xây dựng xã hội học tập”,“Học tập suốt đời”; chúng ta thật sự cảm kích trong xã hội hiện nay ngày có càng nhiều cá nhân, đoàn thể, tổ chức xã hội, các tôn giáo, các địa phương, các dòng tộc, các hội đồng hương, doanh nhân, doanh nghiệp, nhiều trí thức, Việt kiều… đã trao học bổng, mở quán cơm xã hội, tiếp sức mùa thi… cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học ở các cấp rất đáng trân trọng.

Kể làm sao hết, những tấm lòng, những việc làm thiện nguyện, bởi lẽ hiện nay có khá nhiều học bổng, chỉ tính riêng Hội Khuyến học tỉnh trong nhiệm kỳ (2014 -2019) vừa qua, bằng các nguồn lực tài trợ đã trao học bổng trên 6.300 suất, với tổng trị giá trên 12 tỷ đồng. Tổng cộng 5 năm tất cả các khoản hỗ trợ cho khuyến học ở tỉnh ta đạt hơn 140 tỷ đồng, là khoản đóng góp hết sức thiết thực đối với một tỉnh chưa giàu như Thừa Thiên Huế.

Cái mới trong khuyến học, khuyến tài gần đây là học bổng của các dòng tộc và các làng. Mỗi năm vào dịp Thu tế cũng là lúc chuẩn bị khai giảng năm học mới, nhiều làng bản, dòng tộc vừa tiến hành nghi lễ truyền thống cúng thần hoàng, cúng tổ tiên của dòng họ, đồng thời, tổ chức trao phần thưởng khích lệ các cháu học giỏi, nhất là thi đỗ vào các trường đại học hay đỗ thủ khoa các ngành sau đại học. Tiêu biểu như làng An Truyền đã xây dựng quỹ khuyến học lên hàng tỷ đồng và mỗi năm trao thưởng ở đình làng cho hàng chục tân sinh viên, tân thủ khoa trở thành nét đẹp văn hoá của địa phương.

 PHAN LÀNG VÂN