Một trong những chú khỉ đột đang được lực lượng kiểm lâm Congo chăm sóc. Ảnh: VietnamPlus

Chúng trú ẩn trong ngôi nhà tự nhiên của mình ở tỉnh Nam Kivu – một khu vực chiến trường của quân nổi dậy trong một phần tư thế kỷ qua.

Nhưng nơi ẩn náu này cũng phải đối mặt với một mối đe dọa mới xuất hiện từ cuộc xung đột với những người Pygmy địa phương. Những người này cho rằng họ đã bị cướp đất của tổ tiên khi công viên mở rộng vào những năm 1970.

Năm ngoái, người Pygmy bắt đầu di chuyển vào vùng đất sâu bên trong vành đai bảo vệ của công viên và bắt đầu chặt hạ cây cối, chủ yếu để lấy than đốt.

Theo các nhà quản lý công viên, người Pygmy đã phá hủy 350 ha  đất rừng - một hành động phá rừng đang nuốt chửng dần dần môi trường sống của loài khỉ đột. Năm 1994, công viên này đã được UNESCO đưa vào danh sách các Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm.

“Cuộc xâm chiếm bắt đầu vào tháng 8 (2018). Vào tháng 12, tiến trình này đã tăng tốc”, ông Hubert Mulongoy, phát ngôn viên của công viên cho biết.

Tại làng Munyange ở rìa công viên, Trưởng bộ tộc Pygmy ông Jean-Marie Kasula cho biết cộng đồng của ông chỉ đơn giản là “quyết định hồi sinh vùng đất vốn là của chúng tôi”. “Chúng tôi đã chịu đau khổ trong 48 năm,” ông nói. “...Đây là thiên đường của chúng tôi!”

Người dân địa phương chặt cây và đốt củi ngay tại chỗ để làm “makala” (than củi) - nguồn nhiên liệu duy nhất đối với nhiều người dân nông thôn Congo, những người cực kỳ nghèo và không có điện.

Các nhà quản lý công viên cho biết một số kiểm lâm viên cũng là người Pygmy và họ đang nỗ lực giảm bớt xung đột.

Khu vực rừng bị phá chỉ là một phần rất nhỏ của toàn bộ khu vực được bảo vệ - một cao nguyên kho báu nhiệt đới gần như kích thước của bang Delaware (Hoa Kỳ), với hơn 6.000 km vuông (2.300 dặm vuông). Tuy nhiên, cuộc xung đột và nạn phá rừng lại ảnh hưởng đến khu vực đặc trưng của công viên: Khu đất cao ráo là nhà của loài khỉ đột – vốn là điểm tham quan yêu thích của những du khách giàu có, với số lượng khoảng 2.000 người mỗi năm.

Anh Tuấn (Lược dịch từ AFP)