Cận cảnh một dòng sản phẩm của Mộc Truly Hue’s

Trước khi bắt đầu với Mộc Truly Hue’s, Phạm Thị Diệu Huyền có 6 năm kinh nghiệm khởi nghiệp kinh doanh với Gác Măng Rê – quán café mang phong cách Retro và bán các sản phẩm đặc trưng của Huế. Dự án Mộc Truly Hue’s được Huyền ấp ủ trong ba năm trở lại đây.

Năm nay là năm thứ tư Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh. Bên cạnh những ý tưởng/dự án ứng dụng công nghệ thông tin chiếm đa số về số lượng, thì nhiều ý tưởng/dự án được phát triển từ chất liệu văn hóa Huế lại được đánh giá cao về chất lượng. Sau cuộc thi, nhiều dự án “sống khỏe” và có nhiều tiềm năng để phát triển, như: Gia vị bún bò Huế, Ứng dụng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cho ngành sản xuất giày dép thời trang, Kiến trúc giấy làm quà tặng, Phát triển tiềm năng sen Huế, Hue Lotus Homestay…, và cả Mộc Truly Hue’s.

Giá trị đổi mới sáng tạo của Mộc Truly Hue’s là đổi mới toàn bộ mẫu mã bao bì đóng gói của các sản phẩm đặc trưng của Huế, tăng giá trị tinh thần cho sản phẩm. Bằng cách đưa chất liệu màu sắc, mô-tip của văn hóa Huế vào họa tiết, mẫu mã bao bì, Huyền muốn giới thiệu với du khách những câu chuyện văn hóa liên quan. Đồng thời, cũng hàm chứa ý nghĩa gói ân tình xứ Huế trong món quà tặng nhỏ xinh để du khách mang theo.

Mộc Truly Hue’s đang có các loại sản phẩm, như: Kẹo, bánh mứt, trà, tinh dầu, phấn nụ. Riêng bánh, kẹo và mứt, chủng loại rất phong phú, như: kẹo cau, kẹo kéo, kẹo gừng, mè xửng, kẹo ú, bánh in, bánh măng, bánh mận, bánh lọc, bánh ép), mứt gừng, mứt nghệ, mứt vỏ bưởi, vỏ thanh trà, mứt hạt sen, mứt củ sen...

Vì muốn khách thưởng thức được nhiều món khác nhau và tiện cho việc di chuyển nhiều, nên những sản phẩm của Mộc Truly Hue’s đều có trọng lượng, khối lượng nhỏ. Ngoại trừ một số loại bánh tự tay Huyền làm, phần lớn sản phẩm còn lại được Mộc Truly Hue’s đóng gói, Huyền đều kết nối với các nghệ nhân và các làng nghề truyền thống để có sản phẩm chuẩn vị Huế nhất. Huyền muốn chọn lựa những sản phẩm ẩm thực bình dân ngon nhất, tinh tế nhất để tận tâm “khoe” và phục vụ du khách phương xa.

“Vì Huế có quá nhiều đặc sản, nên để lên được danh sách sản phẩm cho Mộc Truly Hue’s, mình mất rất nhiều thời gian. Thời điểm đó, hầu như ngày nào cũng ra chợ Đông Ba, vô siêu thị và đến các quầy chuyên bán đặc sản Huế, chỉ để làm mỗi một việc là xem sản phẩm nào có nguồn gốc từ Huế được bán nhiều nhất, hàng hóa chạy nhanh nhất”, Huyền nhớ lại.

Ngay cả khi đang ngồi ở “Gác Măng Rê”, quán nhỏ nơi góc đường Đoàn Thị Điểm – Đinh Công Tráng, Huyền cũng chú ý dỏng tai nghe những câu chuyện của bác tài taxi, những cò du lịch mời chào khách du lịch. Thậm chí, ngay cả khi tìm gặp nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Đình Hằng để hiểu nhiều hơn về cội nguồn văn hóa Huế, Huyền cũng đã phải suy nghĩ rất nhiều khi được hỏi: “Muốn làm con buôn hay thương gia. Con buôn thì dễ thôi. Nhưng nếu muốn làm thương gia thì phải làm khác cách người ta đã làm”.

Quả thật, cách Phạm Thị Diệu Huyền làm Mộc Truly Hue’s ở Huế chưa ai làm. Vì chưa ai làm nên Huyền gặp không ít khó khăn. Khó, nhưng Huyền vẫn tự hào và luôn nỗ lực vì Mộc Truly Hue’s. Đó là sự khẳng định về một dòng sản phẩm mộc mạc nhưng rất đúng chất Huế.

Hiện nay, khách hàng tiềm năng của Mộc Truly Hue’s chủ yếu là khách du lịch tầm trung, có thu nhập khá và sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm quà tặng có mang giá trị tinh thần ý nghĩa. Ngoài thị trường Huế, một số dòng sản phẩm của Mộc Truly Hue’s đã vào được hệ thống bán hàng ở các sân bay, một số căn-tin trường học ở TP. Hồ Chí Minh và xuất ngoại theo con đường tiểu ngạch.

Sau chiến thắng ý nghĩa từ cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Phạm Thị Diệu Huyền vẫn còn rất nhiều mong muốn phía trước. Đó là mong muốn tìm được một mặt bằng tốt để Mộc Truly Hue’s được nhận diện trên bản đồ du lịch Huế và quan trọng nữa là kết nối được với các nghệ nhân ẩm thực để có thể tập trung tốt hơn cho những sản phẩm đang bị mai một và thất truyền.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN