Binh sĩ Nhật cứu người dân bị ảnh hưởng bão vào ngày 13/10 ở Kakuda, tỉnh Miyagi. Bộ Quốc phòng Nhật đã huy động khoảng 27.000 thành viên Lực lượng phòng vệ tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trên toàn quốc - Ảnh: Reuters
18Là số người thiệt mạng, 13 người mất tích và 149 người bị thương do siêu bão Hagibis quét qua Nhật lần này. |
Lệnh di tản và cảnh báo khẩn cấp liên quan siêu bão Hagibis được thông báo liên tục qua tin nhắn điện thoại, radio và truyền hình. Dù "nhà còn bao việc", chính quyền Tokyo đã đặc biệt tích cực hỗ trợ du khách nước ngoài qua các kênh thông tin như Twitter và ứng dụng cảnh báo thông tin thiên tai trên điện thoại thông minh.
Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JNTO) thiết lập đường dây nóng hỗ trợ khách nước ngoài bằng 3 ngôn ngữ Anh - Hàn - Hoa. Một khu trú ẩn tạm thời dành cho du khách cũng được nhà chức trách chuẩn bị kỹ càng tại Nhà văn hóa Tokyo ở quận Taito (Tokyo).
Đài truyền hình NHK trong những ngày này trở thành trung tâm thông tin cảnh báo bão. Mọi diễn biến, thiệt hại và khuyến cáo được cập nhật từng phút trên trang web của đài. Trên sóng trực tiếp, NHK cũng liên tục phát các thông tin cảnh báo bằng tiếng Anh, kèm theo mã QR để người xem có thể truy cập vào chuyên trang về bão Hagibis một cách nhanh nhất.
Dịch vụ WiFi khẩn cấp miễn phí "00000JAPAN" được mở ra nhằm giúp người dân có thể liên lạc với người thân và cập nhật thông tin bão dễ dàng trong trường hợp mạng Internet bình thường không thể truy cập được.
Vì người Nhật chấp nhận sống chung với động đất, sóng thần và siêu bão, họ học cách thích nghi trong những môi trường khắc nghiệt. Những hướng dẫn được đưa ra rất cụ thể, từ việc nên tích trữ bao nhiêu đồ ăn thức uống là đủ, cho đến chế độ dinh dưỡng cho người già và trẻ em trong thảm họa nên như thế nào...
Xem các khuyến cáo về thiên tai và cách đối phó đủ thấy chúng đã trở thành một trong những quy luật bất thành văn để sinh tồn ở Nhật Bản.
Nhiều sản phẩm sẽ bị coi là không có tính thương mại hóa cao ở nơi khác lại vô cùng hữu ích ở Nhật nhờ vào... thiên tai. Chẳng hạn nước uống đóng chai thường chỉ có hạn sử dụng khoảng 2 năm nhưng ở Nhật, loại nước uống có thể sử dụng sau 5/10 năm ngày càng nhiều.
Do thiên tai thảm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, các chuyên gia khuyên người dân nên lập một kho dự trữ nhu yếu phẩm riêng trong nhà từ những ngày "trời yên biển lặng" và sử dụng các thực phẩm gần hết hạn cho các nhu cầu hằng ngày trong gia đình. Điều này đảm bảo khi thảm họa bất ngờ ập xuống, người dân không bị bất ngờ dẫn tới cảnh đổ xô tới các siêu thị gom hàng.
Trong điều kiện đi lại khó khăn và hạn chế sau bão hoặc động đất, các gia đình bị cô lập hoàn toàn yên tâm chờ người đến giải cứu với kho dự trữ đủ loại thực phẩm còn hạn sử dụng dài lâu.
Ngày càng nhiều siêu bão tấn công Nhật Bản với cường độ và tần suất dày đặc hơn bình thường. Nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu làm nước biển ấm lên.
Thông thường các cơn bão khi áp sát vùng biển Nhật Bản sẽ suy yếu do vùng nước gần bờ thường có nhiệt độ thấp hơn ngoài đại dương. Song trong những năm gần đây, nhiệt độ tại vùng nước này lại đang ấm dần lên, đồng nghĩa lực cản duy nhất sức mạnh của các cơn bão là địa hình nước Nhật.
Sáng 13-10 nắng đã hửng lên ở Tokyo như thể chưa từng có những gió thét gào, mưa như trút. Người dân nhiều nơi đã ra đường góp tay dọn vệ sinh. Kể từ năm 1977, có đến 125 cơn bão đã tấn công khu vực Kanto gồm thủ đô Tokyo của Nhật Bản, với Hagibis là cơn bão mạnh nhất trong số đó.
Và sau mỗi thảm họa qua đi, họ lại tiếp tục bổ sung, điều chỉnh trong tâm thế "điều này sẽ chưa bao giờ thôi tái diễn".
Theo Tuoitre