Sản phẩm mây tre đan của HTX Mây tre đan Bao La (Quảng Điền) có chỗ đứng trên thị trường
Phía đầu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh…
Khu vực KTTT đang phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng với nhiều mô hình mới, cách làm hay. Gần đây đã hình thành một số HTX khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao. Số lượng HTX cả nước hoạt động hiệu quả cũng tăng dần hằng năm, từ 6.723 HTX (chiếm 36%) vào năm 2013 lên 9.891 HTX năm 2018 (chiếm 45% tổng số HTX).
Tuy nhiên mô hình KTTT vẫn tồn tại một số hạn chế như nhận thức của một bộ phận người dân và đội ngũ cán bộ về vai trò KTTT, HTX còn hạn chế; kinh tế hợp tác, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của các địa phương; cơ sở hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa xuống cấp, chưa đáp ứng sản xuất quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao…
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, 15 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, tạo môi trường thuận lợi cho các HTX phát triển.
Trồng rừng bền vững - mô hình mới, hiệu quả của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh và trong cả nước
Đến nay, toàn tỉnh có 259 HTX với khoảng 115.000 thành viên; tổng nguồn vốn của HTX đạt gần 458 tỷ đồng và tổng giá trị tài sản gần 576 tỷ đồng; doanh thu bình quân của mỗi HTX 2,380 tỷ đồng; thu nhập bình quân mỗi HTX hơn 90 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên tại HTX 32 triệu đồng/năm.
Các HTX cũng đã từng bước đổi mới về tổ chức, nội dung hoạt động và ngày càng thích nghi với cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và hoạt động có hiệu quả. Các HTX tích cực, chủ động tham gia xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm có qui mô và sức lan tỏa, góp phần tích vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Tuy nhiên nhìn chung, KTTT của tỉnh phát triển chưa tương xứng với yêu cầu; năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu sức cạnh tranh so với các thành phần kinh tế khác do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao; đội ngũ cán bộ quản lý đa số tuổi cao, còn nặng tư duy HTX kiểu cũ, chưa năng động với thị trường; cơ sở vật chất xuống cấp, công nghệ sản xuất lạc hậu…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất của KTTT là chính sách, cơ chế tài chính để hoạt động, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Quỹ hỗ trợ phát triển KTTT có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của các HTX, tổ hợp tác nhưng đến nay cả nước mới chỉ có 47 tỉnh, thành có quỹ, các tỉnh còn lại chưa có… Các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh cần xây dựng, thành lập quỹ hỗ trỡ phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KTTT, HTX mang lại hiệu quả, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của các địa phương…
Tin, ảnh: Hoàng Triều