Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.
Đây cũng là những vấn đề thu hút sự quan tâm, thảo luận của Thường vụ Quốc hội (TVQH) trong Phiên họp thứ 38 của Ủy ban TVQH cho ý kiến về các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 ngày 15/10.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, bên cạnh những vấn đề tích cực của nền kinh tế thì vấn đề xã hội đang nổi lên một số vấn đề rất đáng quan tâm. Đó là đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp và có một số mảng xuống cấp khá nghiêm trọng, tội phạm ma túy nghiêm trọng gia tăng...
Chỉ ra những mặt còn hạn chế nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, trong quá trình giám sát ở cơ sở cho thấy tình hình xâm hại trẻ em hiện nay chiếm khoảng 70%, trong đó chủ yếu là xâm hại tình dục trẻ em. Đau xót hơn là trong số các vụ xâm hại tình dục trẻ em có cả người quen, người thân ruột thịt…
“Hầu như ở các địa phương đều có các vụ xâm hại trẻ em, có những vụ rất nghiêm trọng. Tôi đề nghị công tác phòng ngừa phải đặt ra nhiều giải pháp nhằm góp phần giảm số vụ xâm hại trẻ em, xử rất nghiêm và đề cao công tác phòng ngừa”, bà Lê Thị Nga nêu ý kiến.
Điều đáng suy nghĩ nữa là vấn đề loạn luân trong gia đình giữa bố đẻ, bố dượng, người thân trong gia đình xâm hại trẻ em. Ngoài tình trạng xâm hại trẻ em, thời gian qua còn nổi lên tình trạng giết người; đặc biệt là giết người thân trong gia đình do những mâu thuẫn, tranh chấp đất đai… gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
Bà Lê Thị Nga cũng nêu lên một vấn đề nghiêm trọng khác, đó là tình trạng ma túy học đường, các vụ mua bán ma túy lớn lên tới hàng tấn do các ngành chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều nhưng vẫn chưa giảm.
Bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải, ô nhiễm không khí… Theo bà Lê Thị Nga, cần minh bạch thông tin để người dân biết và cần phải có biện pháp phòng ngừa tránh tình trạng doanh nghiệp vi phạm rồi các ngành chức năng mới lên tiếng xử lý.
“Đề nghị xử lý, làm rõ trách nhiệm vụ cháy Nhà máy Rạng Đông, ô nhiễm nguồn nước sông Đà mấy ngày gần đây. Cần xử lý sớm, trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó”, bà Lê Thị Nga nêu ý kiến.
Theo TTXVN