Giới thiệu hiện vật thô sơ của nhân dân Thừa Thiên Huế tham gia giành chính quyền. Ảnh: Võ Nhân

Để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, các tổ chức Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc.... được phát triển, xây dựng lực lượng cán bộ cốt cán, tự vệ, vận động ngụy quyền ở làng, tổng, huyện ủng hộ Việt Minh. Chuẩn bị về cơ sở vật chất như lương thực, vũ khí, tiền bạc, tuy chưa qua khỏi nạn đói nhưng nhiều nhà khá giả đã ủng hộ lúa gạo, tiền bạc, nhiều thợ rèn tình nguyện rèn vũ khí (dao găm, giáo mác, đại đao, kiếm...); băng cờ khẩu hiệu cũng được chuẩn bị chu đáo. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa đã sục sôi chỉ chờ thời cơ chín muồi. Ngày 23-8-1945 quần chúng nhân dân tập hợp lực lượng kéo về huyện, về tỉnh giành chính quyền.

Lá cờ Tổ quốc thiêng liêng
Trong số những kỷ vật kháng chiến mà ông Huỳnh Huyết còn giữ được, có một lá cờ Tổ quốc đã được, treo ở đầu thôn Phò Nam A (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) cùng với khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh trong những ngày Cách mạng Tháng Tám. Theo lời kể của ông, lá cờ này đã gắn bó với phong trào cách mạng ở địa phương từ những năm 1944 – 1945, cùng với nhân dân xã Quảng Thọ đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Lá cờ đỏ sao vàng đã theo ông trong suốt thời gian kháng chiến, không chỉ chứng kiến những ngày quật khởi trong Cách mạng Tháng Tám mà còn hòa vào ngày hội non sông trong niềm vui thống nhất năm 1975. Lá cờ đã bạc màu thời gian, đôi chỗ không còn nguyên vẹn nhưng giá trị lịch sử mà nó lưu giữ vô cùng quý giá, và phong phú.
 
Cùng với ông Huỳnh Huyết, ông Trương Hữu Đài ở thôn Kim Đôi, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền vẫn còn giữ lại được một cây dao găm, vũ khí dùng để tham gia trừ gian, diệt tề và giành chính quyền ở địa phương năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, chiếc dao găm này vẫn theo ông trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Những vũ khí thô sơ được nhân dân rèn đúc để phục vụ khởi nghĩa còn lưu lại cho đến ngày nay. Ông Nguyễn Hữu Thống, ông Hồ Ngọc Đàn (xã Quảng Vinh - huyện Quảng Điền) còn giữ những chiếc mã tấu đã từng tham gia trong khởi nghĩa giành chính quyền. Ông Nguyễn Hữu Thống có chú ruột là Nguyễn Hữu Khảm, tham gia phong trào cách mạng từ trước năm 1945, mã tấu là thứ vũ khí được trang bị cho các đội tự vệ, du kích xã, ông Khảm đã sử dụng chiếc mã tấu này trong quá trình hoạt động cách mạng, đặc biệt là trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945. Năm 1947, ông Khảm hy sinh trong trận đánh đồn ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền. Sau khi ông mất, chiếc mã tấu được gia đình lưu giữ.
Cách mạng Tháng Tám ở Huế được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chỉ đạo sát sao, cố gắng để việc chuyển giao chế độ không phải đổ máu nhiều và điều đó đã thành sự thực. Vua Bảo Đại sau khi nhận được Tối hậu thư của Ủy ban khởi nghĩa vào tối ngày 22-8-1945 đã triệu tập họp nội các. Nhà vua và những người dự họp nhất trí chấp nhận những điều kiện của Việt Minh đưa ra và sẽ từ bỏ ngai vàng bằng hình thức thoái vị. Đúng 13h00 ngày 30-8-1945, Bảo Đại đọc chiếu thoái vị và trao lại cho đại diện Chính phủ quốc ấn và một thanh gươm bằng vàng tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến.
Làm dân của một nước độc lập
Trong chiếu thoái vị, Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn đã tuyên bố: “Từ nay trẫm làm vui được làm dân tự - do của một nước độc - lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng - gia mà lung lạc quốc - dân nữa”. Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại đọc trên Lầu Ngọ Môn chiều 30-8-1945 đã được niêm yết tại Phu Văn Lâu từ ngày 25-8-1945 và đã được in trên Việt Nam Dân quốc công báo số đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, công bố với toàn dân về sự cáo chung của một triều đại.
Ký ức về những ngày Cách mạng Tháng Tám luôn còn mãi, lật từng trang sử vẫn rạng ngời những bản anh hùng ca và đâu đó trên khắp mảnh đất Thừa Thiên vẫn in đậm dấu ấn những ngày quật khởi: “Tháng Tám vùng lên Huế của ta/Quảng, Phong ơi! Hương Thuỷ, Hương Trà/Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế/Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca”.
Hoàng Liên