Tác phẩm sắp đặt “Biển đời” của nghệ sĩ Nguyễn Lương Sáng được trưng bày ở New Space Art Foundation. Ảnh: HỮU PHÚC

“Ẩn mình”

Từng là một trong những người sớm thực hiện triển lãm về nghệ thuật sắp đặt tại Huế và có khá nhiều tác phẩm theo loại hình nghệ thuật đương đại này, nhưng khi nhắc đến, nghệ sĩ Lê Đức Hải vẫn cảm thấy tiếc nuối: “Khoảng 3 năm trở lại, thiếu vắng dần những tác phẩm về nghệ thuật sắp đặt. Nghệ sĩ vẫn đam mê và mong muốn sáng tạo nhưng thiếu không gian và những điều kiện khác khiến nghệ thuật sắp đặt ẩn mình”.

Thực ra, nghệ thuật sắp đặt đến Huế khá sớm, từ khoảng năm 1995 với vai trò lớn của nữ nghệ sĩ Đức

Veronika Radulovic thông qua những workshop (tạm dịch là khóa học chủ đề) mà bà cùng một số nghệ sĩ Đức thực hiện tại Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế. Hai năm sau, tại lễ kỷ niệm thành lập Trường ĐH Nghệ thuật, nghệ sĩ Trương Thiện cùng anh em nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (1997) đã thực hiện một triển lãm về nghệ thuật sắp đặt với hệ thống tác phẩm gồm sắp đặt khối và các loại vải, các loại vật liệu có sẵn và được chế tác thêm. Theo nghệ sĩ Lê Đức Hải, đó được xem như một trong những triển lãm chính thức về nghệ thuật sắp đặt đầu tiên ở Huế.

Với sự ra đời của Festival Huế, nghệ thuật sắp đặt có điều kiện để đến gần với công chúng. Cứ mỗi dịp lễ hội, các nghệ sĩ của Cố đô và một số nghệ sĩ của thế giới về làm các nghệ thuật mới, trong đó có các tác phẩm sắp đặt đương đại. Thời điểm ấy, Huế có nhiều nghệ sĩ, như Trương Thiện, Đinh Khắc Thịnh, Lê Thừa Tiến, Trần Tuấn, Thanh Mai, anh em nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh – Lê Đức Hải… khá nổi tiếng với các tác phẩm xu hướng nghệ thuật sắp đặt.

Sự nở rộ chẳng lâu, nghệ thuật sắp đặt bị “nguội dần” và buộc phải ẩn mình do nhiều điều kiện khách quan lẫn chủ quan. ThS. Phan Lê Chung, giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật, cũng là nghệ sĩ từng làm các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, lý giải: “Trong khi không gian ngoài trời khó “thích nghi” với các yếu tố thời tiết của Huế thì tại Cố đô vẫn chưa có không gian trưng bày trong nhà cho các tác phẩm sắp đặt, bởi nghệ thuật sắp đặt cần không gian đủ rộng và có sự tương tác, hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng”.

 Anh em nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải với tác phẩm sắp đặt “Chén và đũa (1945)”. Ảnh: NVCC

Trong một lần gặp gỡ, ThS. Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh thừa nhận: “Hằng năm, hội có tổ chức các triển lãm mỹ thuật trẻ và luôn động viên các nghệ sĩ trẻ làm các loại hình nghệ thuật mới như nghệ thuật sắp đặt nhưng cũng ít người gửi tác phẩm vì giới hạn không gian. Tác phẩm sắp đặt làm ra phải có không gian đủ để trưng bày, để “sống” nhưng thực sự để đáp ứng yêu cầu này, các không gian trưng bày của hội chưa làm được”.

Ngoài điều kiện không gian, vẫn còn một số nguyên nhân khác. Theo nghệ sĩ Lê Đức Hải, đa phần các nghệ sĩ làm nghệ thuật sắp đặt là những nghệ sĩ trẻ, ngoài đam mê nghệ thuật, họ còn cả gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền”.

Tác phẩm sắp đặt “Lan Lan” của anh em nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải. Ảnh: NVCC

Cần những cơ chế

Hơi ngoa nếu nói việc nghệ thuật sắp đặt “ẩn mình” ảnh hưởng lớn đến dòng chảy nghệ thuật, nhưng xét về góc độ nào đó, việc nghệ thuật sắp đặt đang trong điều kiện hiện nay phần nào làm mai một chất liệu của nghệ thuật đương đại. Còn đối với công tác đào tạo nghệ thuật, thiếu môi trường thực tế, rất khó để thu hút đầu vào. Đó là một điều đáng tiếc, bởi tại Huế hiện nay đã có đào tạo chuyên ngành tạo hình đa phương tiện.

Giải quyết hai điều kiện về không gian và nguồn hỗ trợ là giải pháp chính giúp nghệ thuật sắp đặt phát triển, thế nhưng cách giải quyết thế nào, ai sẽ giải quyết là vấn đề cần quan tâm. Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh Nguyễn Thiện Đức tâm sự, hội cùng từng đề xuất với các ban ngành liên quan về thiết chế phòng ốc đủ cho nghệ sĩ làm các tác phẩm, cống hiến cho nghệ thuật. Và, những đề xuất sẽ được tiếp tục nêu tại các hội thảo, những cuộc họp về lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật tiếp theo. Vấn đề là ngành văn hóa – nghệ thuật cần có những chính sách quan tâm hơn.

Trên thực tế, ở thế giới có các quỹ hỗ trợ nghệ sĩ, hỗ trợ để thực hiện các tác phẩm có giá trị với mục tiêu phát triển nghệ thuật. Song, ở trong nước, đặc biệt tại Huế không những thiếu quỹ hỗ trợ này mà việc kêu gọi mạnh thường quân, nhà tài trợ cho nghệ thuật cũng khó khăn. Nghệ sĩ trẻ giàu nhiệt tình, đó là thế mạnh, nhưng theo nghệ sĩ Nguyễn Thiện Đức, thế mạnh đó cần chất xúc tác mới phát huy được. Vì vậy, rất cần những cơ chế, hỗ trợ như những quỹ hỗ trợ tài năng, hỗ trợ nghệ sĩ.

HỮU PHÚC