Dư luận đang sục sôi với cô ca sĩ Mỹ Kacey Musgraves khi cô này mặc áo dài không có... quần dài, để trình diễn tại một đêm nhạc ở Dallas (Mỹ) hôm 11/10 vừa rồi. Chính xác là cô ca sĩ này có sử dụng nội y thay vì phải là chiếc quần dài như người ta thường thấy với bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Ngay lập tức, nhiều người Việt Nam đã lên tiếng phản đối, mà đầu tiên và gay gắt nhất vẫn là giới nghệ sĩ - đồng nghiệp của cô ca sĩ ấy.

Nhìn cô ca sĩ biểu diễn, có thể thấy rằng vì cô thích chiếc áo dài Việt Nam mà chọn nó để mặc biểu diễn, như một chiếc váy, theo cách nghĩ hồn nhiên của một người theo văn hóa Mỹ. Nhưng dù sao thì cô ca sĩ ấy đã sai, khi sử dụng một trang phục đã trở thành biểu tượng văn hóa của một quốc gia mà không biết nó là gì. Sự cố này cũng đã từng xảy ra không ít lần trên các sân khấu, màn ảnh thế giới. Nhiều ca sĩ, người mẫu thời trang đã từng bị phản đối là mạo phạm văn hóa khi dùng bộ kimono truyền thống của người Nhật hay chiếc mũ mão thiêng liêng của thổ dân da đỏ để hóa trang, với suy nghĩ đơn giản là vì thấy đẹp, và vì yêu mến văn hóa của đất nước đó.

Từ sự cố “áo dài không quần” và những hành vi mạo phạm văn hóa dù chỉ là vô tình, cho thấy hành xử văn hóa không chỉ là lịch sự, khiêm nhường, mà cần phải có sự hiểu biết. Rằng áo dài thì phải mặc với quần dài, đó là điều mặc nhiên từ khi trang phục đó ra đời. Từ điển Wikipedia định nghĩa:“Áo dài là một loại trang phục cách tân từ áo ngũ thân của Việt Nam, mặc cùng với quần dài”. Từ điển Oxford - cuốn từ điển tiếng Anh hàng đầu thế giới - giữ nguyên từ “Áo dài” và phiên âm theo âm  tiếng Việt (/ˈaʊdʌɪ/: ao dai), giải thích: “là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân, che bên ngoài chiếc quần dài”.

Áo dài luôn là một biểu tượng của văn hóa Việt. Ảnh tư liệu Festival 2016

Áo dài là... áo dài! Nó không chỉ là một thứ trang phục, mà hơn thế, nó là một biểu tượng của văn hóa Việt (cùng với nước mắm, phở - những từ mà người nước ngoài luôn giữ nguyên khi nói về Việt Nam). Và khi áo dài đã mặc định là áo dài, thì không phải lo ai đó làm hỏng nó. Chỉ lo rằng chính chúng ta - chủ nhân của chiếc áo đặc sắc đó - không giữ được gia tài văn hóa của dân tộc. Sự tôn sùng đến mức cực đoan, hoặc lạm dụng một cách vụng về: nấu bếp, bưng bê thức ăn trong quán cũng mặc áo dài, hay bài bác rằng, nó là thứ trang phục sexy... đều là những cách hạ thấp một giá trị văn hóa Việt đã được thế giới ghi nhận. Nhưng giữ khư khư chiếc áo dài kinh điển mà không cho phép cải tiến để áo dài luôn tung tăng với thời cuộc hiện đại thì cũng thêm một cách làm hỏng nó.

Hãy cứ tôn vinh áo dài một cách nhẹ nhàng như vẻ đẹp của nó. Đi dự một sự kiện trang trọng, có nhiều trang phục trang trọng để lựa chọn, nhưng nếu là phụ nữ Việt Nam thì chọn chiếc áo dài vẫn hay hơn. Vào ngày Quốc tế Phụ nữ hay Ngày Phụ nữ Việt Nam, bất cứ ai mặc áo dài thì được miễn phí tham quan các di tích của Huế. Việc làm đẹp đó của Huế sẽ gây thiện cảm hơn ngàn lời tụng ca!

MINH ĐĂNG