Có lẽ giờ đã muộn lắm.

Phía xa, nơi tiếp giáp giữa biển trời không còn hiện bởi vài mươi chiếc đèn câu đỏ đọc.

Tôi quay nhìn em thật lâu và ngẫm nghĩ. Em có đồng ý cùng tôi trắng đêm để bù lại ngày xưa? Không. Em qua sông rồi, còn tôi cũng đã sang đò. Đừng. Tôi hỏi:

“Hòn núi tên gì”.

Giọng em buồn: “Không biết”.

Tôi thở dài.

Em thật vô tình, hòn núi lớn thế kia, ngày nào đi làm qua em cũng thấy nó vài lần, thế mà hơn mười năm nay em không biết nó tên gì.

Ngày ấy, em cũng vừa mười tám, hiền lành, ít nói và đẹp dịu dàng. Tôi, trong mắt em những năm đầu học trong trường đại học chỉ là một cậu trai quê lơ ngơ suốt ngày cắm mặt vào sách vở. Thế mà những chuyến tàu xuôi về quê hàng tháng tự nhiên gắn hai đứa lại với nhau. Đến cái ngày tôi vụng về cầm bàn tay bé nhỏ của em ấp lên ngực mình, thì cũng là ngày em theo gia đình vào lại Nha Trang.

Ba của em là bộ đội tập kết, thuộc binh chủng phòng không. Ba thường nay đây mai đó không đóng quân cố định. Vậy, tôi chẳng hiểu sao ba lại quen được mẹ, cô gái đẹp nhất vùng xứ kinh đô Hoa Lư xưa. Bao trai làng lẫn ngoài thị xã đắm say. Thế mà mẹ chẳng màng, lại phải lòng ba. Em học đại học năm hai thì ba và mẹ đưa cả nhà về miền Trung. Chia tay tôi. Em khóc nhiều. Ba mẹ không quan tâm tới mối tình của chúng tôi. “Hoàn cảnh”. “Lấy nhau còn duyên số”. Cái lý của người lớn giải thích sự “tác hợp” hay “chia ly” sao nhẹ nhàng và đơn giản. Còn tôi, lúc đó cam lòng: Mối tình của mình chưa đủ mạnh để níu em trở lại. Ngày tiễn em về trong ấy, tôi còn nhớ Hà Nội vào thu buồn mà đẹp nao lòng. Tiễn em trong khổ đau mà cố giấu bộ mặt xập xì ẻo xèo trước ba mẹ em. Thời gian trôi như ngựa vía. Thoắt, đã đến ga Nam Định. Tôi thất thểu bước xuống làn đường ray mà lòng buốt thót. Em cố nhoài cả người ra cửa sổ vẫy...

Đã bao năm qua đi, thế mà hình ảnh em xa mãi không phai mờ được. Tuy thư từ vẫn đều đặn mỗi tuần một lá, nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác dần mất em. Dẫu biết chia tay là kết cục, không hiểu sao chúng tôi cứ tự dối lòng và huyễn hoặc nhau bằng bao lời hứa vô vọng kèm không ít những dự định mu mơ. “Cái thuyết lý tình yêu vàng lửa thời mở cửa thực sự đã bị chao đảo bởi quan hệ đa chiều mà đồng hành với nó mọi  thứ buộc phải đặt lên cân để rồi những điều ai cũng nói bình thường bỗng biến thành tiêu chuẩn, yêu cầu, thành trở ngại, quan ải khó qua”.

Mỗi lần thấy tôi ủ dột, thằng bạn thân nhất bấy giờ là Bột triết gia, lại thở ra một câu nghe phũ phàng trắng phớ. Liên lạc chúng tôi kéo dài được ba năm thì gián đoạn hoàn toàn. Tình cảm, nhớ nhung cũng nhạt nhoà dần và tôi biết được cuộc sống tiếp theo của em bởi bao mảng ghép rời rạc với đủ loại thông tin. Khi nhận tấm thiệp hồng đám cưới em gửi ra, chẳng hiểu sao lúc đó tôi vẫn buồn đến tái tê. Cứ tưởng lòng mình đã lặng tờ. Thế mà. Chồng nàng là bác sĩ, giờ giải nghệ chuyển sang nghề kinh doanh phòng trọ. Cuộc sống gia đình không có đầu cuối của nàng là do sự chắp nối đạo diễn giữa hai bà mẹ hai bên. Nghe nói không êm ấm, trục trặc nhiều.

Lần này vào Nha Trang, công việc công ty giao cho tôi ngút đầu, vậy nhưng tôi quyết tâm dành thời gian cho cuộc hẹn với nàng. Không biết như thế có phải là bù lại những gì thiệt thòi ở ngày xưa. Kể cũng hồ đồ. Ừ. Ít thôi, tí nhớ, một chút bồi hồi khi vô tình gặp gỡ trong cái thành phố biển đẹp đến ngã lòng này cũng chẳng được sao. Rồi tôi tự an ủi: Nàng đâu có hẹp lòng mà không gặp. Mối tình đầu của tôi là mối tình với em - chắc em cũng vậy, nên ai ở xa kia có trách hoặc vấn lòng cắc cớ thì thôi hãy cảm thông. Đừng kết tội, lỗi này tại gió, tại biển, tại cái bờ cát mềm nhung và những con sóng đùa nghịch.

Tôi, em cùng các con của em ra nhà hàng Hồng Ngọc. Nhà hàng thơ mộng nằm sát mép biển. Tôi nghĩ: Đây có phải là điều bất thường của bọn trẻ bây giờ. Và rồi tai tôi ù ù, đầu bỗng ong ong khi bóng chúng mất hút sau ô cửa. Tôi cố rướn ngực hít sâu gió biển, hơi biển để hoà loãng ý nghĩ đàn ông đang ngầu ngầu trỗi dậy. Tôi đăm đắm nhìn em. Trời ơi đôi mắt ấy, sao cứ như ngày nào.

Nàng âu yếm nhìn tôi, trách:

“Ngày đó sao anh không giành giật người mình yêu”

Tôi ôm đầu. Xin đừng nói nữa.

“Anh biết không. Nếu chỉ một lời năn nỉ của anh thôi, em sẽ bước xuống tàu”.

Bàn tay tôi toát mồ hôi lạnh.

Người đàn ông ngoài ba chục tuổi, già dặn, thoắt biến đi đâu mất.

Xúc cảm y hệt như mười năm trước, cái thời măng sữa ngơi ngơi sống dậy.

Chiếc ghế tôi ngồi.

Chùm đèn trên đầu.

Ô cửa sổ vuông vức.

Mọi thứ cứ dập dềnh.

Cảm giác chống chếnh lắc lư khi hai đứa đứng ở đầu toa tầu lại đến.

Phải mất mười phút đồng hồ tôi mới xác định được mình. Tôi nói nhỏ như nói cho tôi nghe:

“Cũng chẳng biết nữa. Có lẽ ở đời, khi nhắc lại các cuộc tình đã qua, ai cũng thường đổ tại cho hai chữ... nếu mà”.

Thế mà nàng cũng nghe được trọn câu.

Nàng mở to mắt, ánh nhìn lạ lắm.

Nhà hàng lúc đó không còn một người khách nào, vắng, hắt hiu chùm bóng điện đỏ nhoè. Một vài bác già đạp xích lô chuẩn bị kết thúc buổi làm của mình, uể oải móc tiền trong túi ra đếm. Lúc đó tôi mới đặt bàn tay lên bàn tay em. Mắt đắm nhìn. Thật lạ, giờ tôi lại có cảm giác như đang ngồi với cô em gái thế này. Thông cảm mà thương đến se lòng.

“Em cứ để gia đình mình mãi vậy?”

“Thì anh khuyên phải thế nào. Chia tay, chồng em sẽ chẳng giúp gì. Em, với đồng lương...”

Nàng thở dài.

Ừ, em là cô gái tỉnh lẻ được nuông chiều từ bé. Không quen lam lũ. Sao có thể một mình... tôi bỗng lại nhớ câu nói của thằng Bột triết gia cách đây vài năm khi nghe tôi kể về hoàn cảnh của em: “Sự khó khăn nhiều lúc là mối gắn kết những con người nhiều trái ngược với nhau”. Lần này nó tạm có lý chăng? Không. Đó là chữ nhẫn, mà ông bà xưa thường gọi: Đức hy sinh. Quả quyết là như thế, Bột à.

Biển im ắng đi. Giờ, chắc là giao thời của triều cường triều hạ. Quán hàng vắng vẻ lại vang lên câu hát “… chỉ là mùa thu rơi, trên cuộc tình khốn khó. Chỉ là mùa thu rơi... bao đầy vơi”. Da diết quá và bồi hồi nữa.

Chia tay.

Ra Hà Nội, tôi nhận được giấy gọi đi du học tại Cộng hòa Ailen hai năm. Những tháng ngày đất khách quê người rồi nỗi nhớ quê hương, gia đình, trong đó có sự vấn vương canh cánh nét buồn khó tả về mối tình đầu cứ se sắt lòng những đêm đông giá lạnh.

Và lần thứ hai tôi trở lại Nha Trang cũng vào những ngày đẹp trời của tuần trăng mười tám. Tôi không còn được gặp em vì cả nhà em đã thất tán phiêu bạt do sự làm ăn bất chính của người đàn ông trụ cột gia đình. Quay lại nhà hàng Hồng Ngọc. Lại chiếc bàn hơn hai năm trước tôi và em đã ngồi đến quá nửa đêm.

Tôi lặng lẽ một mình nhìn xuống biển.

Cảnh vật buổi tối nay chẳng khác mấy buổi tối cách đây hai năm.

Chỉ có điều cạnh tôi không có em.

PHAN ĐÌNH MINH