Việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử khiến Chính phủ nhiều nước lo ngại về tình trạng sức khỏe của giới trẻ. Ảnh: TTXVN

“Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ cấm nó”, ông Dominguez nói trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Kathleen Hays của Đài truyền hình Bloomberg bên lề các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Washington. “Quan điểm của chúng tôi là nó đã xuất hiện lâu ở Philippines và đã trở nên quá phổ biến ở Philippines để chúng tôi có thể cấm các loại thuốc lá điện tử này”.

Quốc hội Philippines hiện đang cân nhắc một dự luật có thể tăng thuế hơn bốn lần đối với các dòng sản phẩm vape và các loại thuốc lá đốt hơi nóng. Cơ quan này cũng đang “xem xét một cách nghiêm túc” đối với các dòng sản phẩm hút thuốc mới này. Một nhóm các nhà lập pháp của nước này gần đây đã đến thăm Cơ quan Tổ chức Y tế Thế giới ở Geneva để tìm hiểu rõ hơn về tác động sức khỏe của chúng, Bộ trưởng Tài chính Phillipines cho biết thêm.

Philippines đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm vape và thuốc lá không đốt nóng lần đầu tiên vào tháng 7 năm nay, sau đó nhanh chóng tăng thêm mức đánh thuế cho hợp lý so với các loại thuốc lá truyền thống. Dự luật, được ủng hộ bởi Tổng thống Rodrigo Duterte và nhóm tư vấn kinh tế của ông, nhắm vào việc ngăn chặn gia tăng những người nghiện hút mới, đặc biệt là ở những người Philippines trẻ. Hiện chưa có tử vong liên quan đến các sản phẩm vape được báo cáo ở Philippines cho đến nay.

Trong một diễn biến khác, Quốc hội Hoa Kỳ tuần này đã lên tiếng với dự luật sẽ cấm sử dụng thuốc lá điện tử đối với người chưa đủ tuổi sau khi xuất hiện 1.299 trường hợp chấn thương phổi liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm vape và 26 trường hợp tử vong. Hơn hai chục quốc gia khác - bao gồm Úc và Singapore - đã cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá điện tử.

Anh Tuấn (Lược dịch từ Bloomberg)