Hai "bông hoa" khiếm thị Hồ Thị Khởi Nghĩa và Hồ Thị Thắng Lợi

Chị Nguyễn Thị Hà, hội viên Hội Người khuyết tật tỉnh, khuyết tật một cánh tay trái, nhưng chị bảo rằng: “tôi chẳng buồn, chẳng giận với đời, mà ngược lại càng thêm cố gắng vươn lên”. Sau khi học chuyên ngành Mỹ thuật ứng dụng hệ cao đẳng đào tạo từ xa, chị học thêm lớp thêu ren tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh. Sau khoảng thời gian học nghề, chị ở lại trung tâm làm việc. Hiện nay, chị vừa làm thêu ren vừa hướng dẫn kỹ thuật thêu cho các bạn học viên mới.

Chẳng những là một người thợ thêu ren giỏi, chị Hà còn là vận động viên tích cực của bộ môn cầu lông, hạng thương tật. Từ năm 2011, chị tham gia thi đấu cho các hạng mục đơn, đồng đội, đôi nữ, đôi nam nữ và giành được rất nhiều các loại huy chương vàng, bạc, đồng. Có sự nghiệp riêng và một mái ấm hạnh phúc, chị còn cùng chồng phát triển thêm kinh tế gia đình bằng việc mở gia trại nuôi 300 con gà.

Chị Nguyễn Thị Hà Thanh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Người điếc Huế, đã phải nghỉ học từ năm lớp 3 do không nghe được giáo viên giảng bài. Vậy nhưng, Hà Thanh luôn nỗ lực tự học thêm mọi thứ, chị học ngôn ngữ ký hiệu, giỏi đọc hiểu và viết tiếng Việt. Ngoài ra, Hà Thanh tư duy hình ảnh tốt, có năng khiếu về hội hoạ, khéo tay với những đồ handmade. Không dừng lại với những điều học được, Hà Thanh còn chăm chỉ học thêm tiếng Anh với mong muốn nâng cao hiểu biết, có thể giao tiếp, trò chuyện với những người bạn nước ngoài. Hiện tại, chị còn phụ trách các lớp ngôn ngữ ký hiệu thiện nguyện. “Tôi thích được học mọi thứ và luôn cố gắng nhiều hơn, bởi tôi muốn phát triển bản thân từng ngày”, chị Hà Thanh tâm sự.

Hai chị em Hồ Thị Khởi Nghĩa và Hồ Thị Thắng Lợi (thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang), mắc phải chứng mù bẩm sinh do di chứng chất độc màu da cam từ người cha là chiến sĩ cách mạng, hai chị đã vượt qua nhiều khó khăn và vượt lên chính mình, tự làm chủ cuộc đời. Bắt đầu gia nhập Hội Người mù tỉnh, hai chị học chữ Braille để qua đó tìm kiếm nhiều nguồn thông tin, kiến thức. Sau đó, hai chị em học nghề chăn nuôi, làm chổi, làm tăm, làm hương. Cuối cùng, chị Nghĩa và chị Lợi lựa chọn gắn bó với nghề massage, xoa bóp phục hồi sức khỏe. Từ năm 2017, hai chị cùng mở cơ sở massage tại huyện Phú Vang, đến nay đã hoạt động ổn định, đem lại thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng cho mỗi người.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, chia sẻ: “Các chị em khiếm thị nói riêng và những chị em khuyết tật nói chung là những “bông hoa” đầy hương sắc, tô điểm thêm cho cuộc đời. Các chị luôn cố gắng vươn lên, vượt qua những khó khăn của tật nguyền và làm chủ cuộc đời mình”. Trong 3 năm qua, Hội Người mù tỉnh đã giúp 92 phụ nữ mù tham gia các lớp học nghề tiểu thủ công, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ buôn bán nhỏ và nhiều chị em đang có việc làm ổn định tại các công ty, hợp tác xã, các cơ quan sản xuất kinh doanh và dịch vụ do hội lập ra.

Từ tháng 1/2019, Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tỉnh, trực thuộc Hội Người khuyết tật tỉnh được thành lập. Cũng từ nơi đây, các chị em khuyết tật có nơi để gửi gắm tâm tư, cùng nhau chia sẻ về cuộc sống, bảo ban nhau kinh nghiệm làm việc, tăng gia sản xuất hiệu quả hơn. Chị Trương Thị Ngọc Anh, chủ nhiệm câu lạc bộ, tâm sự: “Mỗi người ở đây có một khiếm khuyết riêng, có chị khiếm thị, chị khiếm thính, người lại khuyết tật vận động. Vậy nhưng, từ mẫu số chung đồng tật và cả đồng tâm, CLB là một “chốn riêng” để chị em cùng nương tựa, cùng lập kế hoạch tạo việc làm và cùng chung những niềm vui nhỏ với nhau”.

Bài, ảnh: Phước Ly