Bò đi rong, ngủ rong trên nhiều đường phố, khu dân cư làm nhiều người khó chịu, bức xúc

 Cùng là dân nhà quê lên phố học đại học, với chúng tôi, con bò con trâu không hề xa lạ. Dù giờ bạn đã vào Nam sinh sống lập gia đình, nhưng nghe tiếng "há" của bạn là tôi đã hiểu. Tôi chữa cháy: "Huế là thành phố xanh, thân thiện, nên với bò cũng không ngoại lệ, vẫn được nhởn nhơ trên phố như chốn không người". Biết tính tôi hay đùa, cả hai cùng phá lên cười. 

Suốt mấy năm nay, tình trạng từng đàn bò lang thang trên một vài đường phố, khu dân cư ở phường Thủy Xuân, Phường Đúc, Kim Long, Trường An... không còn xa lạ với nhiều người. Ngán nhất là những "bãi chiến trường" chúng để lại trên mặt đường trông rất ô uế, phản cảm.

Từ sau khi hệ thống "phản ánh hiện trường" trên dịch vụ Đô thị thông minh (Hue-S) hoạt động, rất nhiều người dân phản ánh bức xúc chuyện bò thả rong, đi rong ở nhiều nơi. Chúng dẫm phá vườn tược, cây cảnh, phóng uế bừa bãi...

Chẳng những bò đang làm xấu hình ảnh Huế, chúng còn là những "vật cản" mù nguy hiểm khiến nhiều người đi đường phải chuốc họa. Tối tối, từng đàn bò cứ xem những tuyến đường lớn, bãi đất trống ở các khu quy hoạch dân cư như "nhà" mình. Vài lần, trên đường Bùi Thị Xuân, khu quy hoạch Bàu Vá 1, Bàu Vá 2 xảy ra tiếng xe đổ rầm, hay tiếng lốp chà xẹt làm nhiều người giật mình vùng chạy đến. Nguyên nhân là vì bầy bò nằm ngủ ngay giữa đường.

Một lần lên công tác ở bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ (Phong Điền), anh Trưởng bản trò chuyện, vừa rồi xã mới phạt ông B. hơn 5 triệu đồng vì tội thả bò đi rong, phá hoại cây cối, tài sản của bà con. Nghe hay, tôi thắc mắc cách làm. Trưởng bản bảo: "Khó chi, bắt về cột lại, lôi quy chế ra, thống kê hư hại tài sản, cây cối chừng mô rồi cứ rứa quy ra tiền mà phạt". "Giá trị mỗi con bò to hơn tiền phạt nhiều, chủ nuôi phải chấp hành để chuộc được bò về. Làm 1, 2 lần, đố còn dám có lần sau và người khác cũng lấy đó làm gương", anh giải thích.

Nghe rất đơn giản, hợp tình hợp lý, nhưng sao một số phường ở TP. Huế vẫn không làm để dẹp triệt để nạn bò thả rong, đi rong, gây mất trật tự, ảnh hưởng cảnh quan, bộ mặt của đô thị? Phải chăng do địa phương chưa mạnh tay, quyết liệt, chỉ xử phạt đôi ba trăm nghìn đồng gọi là... cho có, nên những chủ nuôi bò không ngán, cứ tái phạm. Nếu cần, chính quyền địa phương nên quy hoạch một vùng đồi cách xa thành phố, xa khu dân cư để những hộ chăn nuôi bò cùng nhau nuôi "góp", có khi còn hiệu quả hơn nuôi nhỏ lẻ, dễ quản hơn bây giờ.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN