Trước đó, theo bản tin của VOV, tính đến giữa chiều ngày 1-9, ngày thứ ba trong kỳ nghỉ lễ 2-9, cả nước có 56 vụ tai nạn, làm chết 30 người, bị thương 29 người và các vụ tai nạn này đều xảy ra trên đường bộ và đường sắt. Một so sánh đau lòng: so với ngày 31-8, tai nạn giao thông tăng cao, đặc biệt là số người chết tăng gần gấp đôi...

Có rất nhiều lý do để mọi người đổ ra đường trong dịp nghỉ lễ, như về quê, đi thăm bà con họ hàng, gặp gỡ bạn bè, liên hoan, họp lớp, đi du lịch theo đoàn, theo nhóm hoặc đơn giản là chỉ muốn ra đường trong một ngày đẹp trời trên rất nhiều phương tiện khác nhau, từ máy bay đến tàu hỏa, xe buýt, taxi, xe máy nhưng nhiều nhất vẫn là sử dụng xe khách. Không ai có thể nói trước được điều gì và tai nạn khi tham gia giao thông trên các tuyến đường vẫn là một ẩn họa khó lường. Riêng với phương tiện xe khách, nhiều người vẫn cho rằng, đã leo lên xe thì cứ coi như là may nhờ rủi chịu. Nhiều người đã kể về cảm giác của họ khi phải là thượng đế bất đắc dĩ của những chiếc xe khách lao đi vùn vụt trong đêm, khi tang tảng sáng và ngay cả khi lưu lượng người đi đã đông đúc trên các tuyến đường.
Tình trạng xe chở quá tải dường như cũng đã trở nên phổ biến khi các nhà xe, chủ phương tiện hay người lái xe tranh thủ chạy vượt tuyến, chạy chui để tăng doanh thu hoặc đậu, đỗ đón khách nhiều nhất có thể, bất kể là điều kiện dừng đỗ có an toàn hay không. Bên cạnh đó là những ẩn họa khác từ việc lái xe quá thời gian quy định, chạy xe quá tốc độ, đi sai làn đường, uống rượu bia; không có mũ bảo hiểm (đối với xe máy, xe đạp điện) hoặc những lý do bất cẩn khác...
Tình trạng bị động kiểu “may nhờ rủi chịu” có lẽ vẫn là điều mà người tham gia giao thông phải đối mặt nếu không gia tăng quản lý, thực hiện đúng Luật Giao thông từ nhiều phía, ngay cả khi mỗi người đã, phải và sẽ luôn có ý thức nhiều hơn về việc tự cẩn trọng với tính mạng của chính mình và người khác bằng các hành động thiết thực.
An Bình