Hơn 400 thượng khách là Nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao… của hơn 190 quốc gia, khu vực, tổ chức quốc tế dự kiến sẽ tới Nhật Bản để tham dự Lễ Đăng quang của Nhật Hoàng Naruhito diễn ra vào ngày mai 22/10.

Hoàng Thái tử Anh Charles, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy… sẽ tham gia vào Lễ Đăng quang này.

Hoàng cung Nhật Bản

Bắt đầu từ ngày hôm nay (21/10). Thủ tướng Abe Shinzo bắt đầu đón tiếp và gặp gỡ riêng với lãnh đạo các quốc gia, khu vực tham dự Lễ Đăng quang. Trong ngày hôm nay, Thủ tướng Abe sẽ hội đàm riêng với lãnh đạo hơn 10 quốc gia, khu vực trong đó có Cố vấn Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi, Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy, Quốc Vương Tây Ban Nha... Dự kiến cho đến ngày 25/10, Thủ tướng sẽ hội đàm, gặp riêng rẽ với 50 lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế trong đó có Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak- yeon.

Các quan khách được mời tham dự buổi Lễ sẽ chứng kiến Nhật Hoàng Naruhito tuyên bố chính thức kế vị tại Điện Matsuno Ma bên trong Hoàng cung. Tại đây, quan khách có thể chiêm ngưỡng ngai vàng và tân Nhật Hoàng trong bộ Hoàng bào chính thức của Nhật Bản.

Sau Lễ Đăng quang, dự kiến một cuộc diễu hành sẽ diễn ra ngoài khu vực Hoàng Cung nhằm để dân chúng chúc mừng và chiêm ngưỡng tân Nhật Hoàng. Tuy nhiên, do cơn bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản vừa qua đang gây thiệt hại lớn khiến cuộc sống người dân chưa ổn định, nên Nhật Hoàng đã quyết định hoãn lễ diễu hành này cho tới ngày 10/11.

Sau Lễ Đăng quang, Nhật hoàng Naruhito sẽ tham dự một số nghi thức Thần đạo khác có tên là Daijosai, dự kiến diễn ra trong hai ngày 14 và 15/11. Daijosai là một nghi lễ mang tính bí mật nên chỉ có một số quan chức đặc biệt mới được xuất hiện.

Khoảng 500.000 tù nhân sẽ được ân xá trong ngày Nhật hoàng Naruhito đăng quang, ít hơn con số 2,5 triệu khi cha ông, Thượng hoàng Akihito kế vị năm 1990.

Hơn 16 tỉ yen đã được giải ngân cho các nghi lễ trong Lễ Đăng quang của Nhật hoàng. Khoảng 3,8 tỉ yen được dành riêng cho công tác an ninh, 5,1 tỉ cho công tác lễ tân ngoại giao. 

Nhật Hoàng lên ngôi, đồng nghĩa với việc bắt đầu Niên hiệu mới Reiwa (Lệnh Hòa) cũng sẽ chính thức bắt đầu, đánh dấu sự phát triển của thời đại mới.

Niên hiệu Nhật Bản là kết quả của một hệ thống hóa thời kỳ lịch sử do chính Nhật Hoàng Kotoku thiết lập vào năm 645. Hệ thống niên hiệu của Nhật Bản chỉ từ sau năm 701 mới tuần tự phát triển mà không bị gián đoạn trong suốt mấy thế kỷ. Tại Nhật Bản hiện nay, năm có thể được đánh số bằng niên hiệu của Nhật Hoàng tại vị. Niên hiệu lâu dài nhất của Nhật Bản là Chiêu Hòa (64 năm) của Thiên hoàng Hirohito (1926-1989). 

Đến nay, Nhật Bản đã có 250 niên hiệu khác nhau. Trong khoảng 200 năm trở lại đây, một triều đại cũng là toàn bộ thời gian trị vì của một Nhật Hoàng.

Theo VOV