Một lớp học tại Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

Đổi mới vẫn còn hình thức

N.H, sinh viên (SV) một trường thuộc ĐH Huế kể, ở trên lớp, có giảng viên vẫn dạy từ slide. Họ soạn sẵn bài giảng rồi chiếu lên máy chiếu và đọc cho SV. “Em thấy, cách dạy đó chỉ khác thời phổ thông giữa máy chiếu và phấn trắng, bảng đen”.

Làm một cuộc khảo sát nhanh, có không ít SV các trường thừa nhận thực trạng trên. Một số SV cho biết, việc mở rộng kiến thức dường như không nhiều. Thậm chí, giảng viên ra đề tài để SV làm bài tập nhóm rồi sau đó gọi lên thuyết trình (qua powerpoint). Đối với vấn đề hay, giảng viên định hướng tốt, cách học này có thể tạo hứng thú, nhưng ngược lại, tiết học có thể trôi qua mà khó đọng lại kiến thức cho SV.

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế thừa nhận, việc đổi mới giáo dục tại một số đơn vị và một số giảng viên vẫn còn mang tính hình thức. Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy chỉ là công cụ hỗ trợ chứ chưa thể gọi là đổi mới giáo dục, thậm chí nếu cứ bám vào công nghệ có thể làm cho giảng viên lười hơn, đọc nguyên bài giảng, chưa nêu được vấn đề để SV trao đổi.

Thực ra, vấn đề trên là câu chuyện đáng trăn trở của rất nhiều trường ĐH, kể cả những ĐH lớn trong nước. Tại một hội thảo quốc gia về vấn đề liên quan, PGS.TS. Nguyễn Xuân Tế, giảng viên cao cấp Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh), so sánh: “Ở thời chúng tôi, thuyết trình phải có một nền tảng kiến thức, giờ thuyết trình chỉ đọc các slide. Tôi thấy chuyện này tràn lan lắm”.

Đại diện lãnh đạo ĐH Huế phân tích, tính thực hành, thực tế còn yếu. Thời lượng trao đổi, sinh hoạt ngoại khóa chưa được chú trọng, nhất là hình thức giảng dạy thông qua dã ngoại thực tế để tăng kỹ năng quan sát, kỹ năng tổng hợp, phân tích, kỹ năng làm báo cáo còn ít. Phương pháp đổi mới chưa thực sự hiệu quả nên kỹ năng của SV vẫn còn hạn chế.

Theo TS. Trương Quý Tùng, có khá nhiều nguyên nhân khiến việc đổi mới giáo dục còn mang tính hình thức. Từ một chương trình giáo dục cũ sang mới, một bộ phận giảng viên vẫn còn ngại thay đổi và thiếu động lực thay đổi. Nếu các trường ngoài công lập xây dựng ngay các chuẩn và có kiểm tra, giám sát tốt thì với các trường công lập, sự thay đổi đó ít tác động vào sự sống còn của trường nên vẫn còn chủ quan, từ người quản lý đến giảng viên. Nguyên nhân khác là thời gian tập trung của một số giảng viên vào công việc giảng dạy vẫn chưa tốt vì đời sống còn khó khăn. Ngoài ra, do nguồn lực có hạn, sự đầu tư không bắt kịp với sự thay đổi phương pháp từ giảng viên. “Cũng có giảng viên đi học từ nước ngoài về, khi triển khai phương pháp giáo dục mới thì vướng về cơ sở vật chất chưa đáp ứng phù hợp”, TS. Trương Quý Tùng trăn trở.

Vẫn có lý do khách quan cho vấn đề trên liên quan đến kinh phí. Một cán bộ Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế phân tích, có những chương trình cần đi thực tế, kể các các ngành xã hội nhưng sự vận động của nhà trường với SV để tạo nguồn kinh phí phục vụ hoạt động này gặp khó khăn.

Đánh giá mức độ hài lòng với giảng viên

Mô hình giáo dục ĐH hiện nay thay đổi để phù hợp với thực tiễn, hướng đến nhu cầu thị trường lao động, vì thế việc đổi mới giáo dục vẫn luôn mới. Theo lãnh đạo các trường ĐH tại Huế, để thực sự đổi mới giáo dục, phải đổi mới rất nhiều thứ.

PGS.TS. Trần Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cho rằng, chất lượng người thầy rất quan trọng, tác động trực tiếp đến đổi mới giáo dục. Vai trò của trường, khoa, bộ môn không chỉ làm tốt công tác tuyển giảng viên mà phải bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và cần giám sát, có các hoạt động dự giờ, theo dõi giảng viên giảng dạy. Còn theo TS. Trương Quý Tùng, điều quan trọng là từ cấp quản lý đến giảng viên và SV phải nhận thức tốt vai trò của đổi mới giáo dục để tìm phương pháp dạy – học hiệu quả.

Rõ ràng, các trường cần xây dựng chuẩn thực hiện và chuẩn đánh giá không chỉ người học mà cả giảng viên. Theo đại diện ĐH Huế, tới đây ĐH Huế sẽ triển khai đánh giá mức độ hài lòng giảng viên của SV để thúc đẩy sự thay đổi trong giảng dạy. Tuy nhiên, để công tác này hiệu quả, cần phải nghiên cứu cách làm hợp lý.

Theo đại diện các trường ĐH, cần chú trọng khâu phản hồi của người học về cả giảng viên lẫn vấn đề cơ sở vật chất, các yếu tố phục vụ công tác đào tạo. Tuy nhiên, kênh phản hồi phải đảm bảo được yếu tố bảo mật thông tin, tránh để lộ thông tin người phản hồi, nhất là phản hồi chất lượng dạy học của giảng viên, từ đó mới có cơ sở để đổi mới hiệu quả.

Bài, ảnh: Hữu Phúc