Bãi chôn lấp rác Thủy Phương chỉ còn kéo dài xử lý đến khoảng cuối năm 2020

Hệ quả nhãn tiền

Những năm qua, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ các hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý CTR trên địa bàn. Điều này tác động tích cực đến công tác quản lý môi trường, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và an toàn cho cuộc sống của người dân.

Hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) hợp đồng trực tiếp với các địa phương (TP. Huế, Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang) để thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý hợp vệ sinh tại khu xử lý tập trung Thủy Phương. Bình quân mỗi ngày, lượng rác đưa về bãi chôn lấp 450 tấn.

Ngoài thu gom CTR sinh hoạt, HEPCO là đơn vị có đủ điều kiện về pháp lý, kỹ thuật và năng lực trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTR công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh nhờ đưa vào vận hành lò đốt chất thải nguy hại Actree công nghệ Nhật Bản.

Tuy chưa "phủ sóng" xử lý rác thải trên toàn tỉnh, nhưng mối quan tâm và lo lắng nhất của HEPCO trong thời gian tới là khả năng điểm xử lý rác thải sinh hoạt thu gom hằng ngày càng thu hẹp trong khi lượng rác đang tăng nhanh.

Phương án dự phòng 

Ngoài các địa phương đang có điểm xử lý chôn lấp tại chỗ, gồm: Nam Đông, A Lưới, Phong Điền và Quảng Điền; rác thải của các huyện, thị xã còn lại và TP. Huế đều vận chuyển về bãi chôn lấp tập trung Thủy Phương. 

Ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng giám đốc HEPCO cho rằng, nếu tỉnh không sớm đầu tư một khu xử lý hay chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh, đến hết năm 2020, hơn 450 tấn rác thu gom mỗi ngày ở các địa bàn không biết sẽ đi đâu. 

Theo ông Hoàng Tiến Minh, Giám đốc Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh, đến nay, Công ty China Everbright, đơn vị trúng đầu tư dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, TX. Hương Thủy bằng công nghệ đốt rác - phát điện đang khẩn trương tiến hành thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, như lập dự án đầu tư, lập quy hoạch điện rác, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi đất rừng, khảo sát địa hình địa chất, rà phá bom mìn... Dự kiến dự án sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2020.

Công suất dự án giai đoạn I xử lý rác khoảng 400 tấn/ngày đêm; công suất lắp máy tua bin phát điện giai đoạn 1 là 7.5 MW; giai đoạn II xử lý khoảng 600 tấn/ngày đêm. Diện tích đất sử dụng bao gồm khu vực nhà máy xử lý và khu chôn lấp tro bay là 12ha. Tỷ lệ chôn lấp sau xử lý dưới 7% so với trọng lượng rác ban đầu.

Theo như dự kiến thời gian nhà máy khởi công và căn cứ yêu cầu tiến độ đầu tư xây dựng không quá 18 tháng, nếu nhanh nhất, phải đến giữa năm 2021, nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn mới hoàn thành.

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại, thời gian khởi công cũng như tiến độ thi công dự án vẫn mới chỉ nằm trong dự kiến chủ quan. Vì thực tế, dự án này đã chậm tiến độ thực hiện các bước thủ tục để đi vào khởi công gần một năm. Chưa kể, trong thời gian thi công có thể gặp trở ngại khách quan về thời tiết, tác động dân sinh...

Vấn đề xử lý rác thải là lĩnh vực khá nhạy cảm, phức tạp. Do đó, sau này nhà máy xử lý CTR Phú Sơn đi vào hoạt động, nhưng phòng trường hợp phát sinh bất trắc và để chủ động, tỉnh cũng cần đầu tư thêm điểm chôn lấp xử lý dự phòng, tránh gây tác động tiêu cực lớn đến môi trường, an ninh, sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thông tin, đề phòng sau năm 2020, khi bãi rác Thủy Phương đóng cửa và chờ dự án xây dựng Nhà máy xử lý CTR Phú Sơn hoàn thành đưa vào hoạt động, Sở TN&MT đang cải tạo ô số 1 tại khu xử lý chất thải Phú Sơn thuộc dự án “Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt khu vực TP. Huế và vùng phụ cận” để đảm bảo phục vụ chôn lấp rác tươi. Theo thiết kế ban đầu, dự án bãi chôn lấp này chỉ sử dụng để chôn lấp rác trơ, tro xỉ của CTR sau đốt.

Ông Hùng khẳng định, việc cải tạo ô chôn lấp số 1 này sẽ đáp ứng chôn lấp 500 tấn rác mỗi ngày trong vòng 1 năm. Có nghĩa sẽ đảm bảo chôn lấp trong suốt năm 2021. Như vậy cơ bản sẽ đảm bảo gối đầu xử lý khi đóng cửa bãi chôn lấp rác Thủy Phương và chờ Nhà máy xử lý CTRSH của Công ty Everbright hoàn thành để bàn giao tiếp nhận xử lý.

Bài, ảnh: Hoài Thương