Tái dựng tuồng Huế

Nghệ thuật cổ truyền, trong đó có nghệ thuật tuồng Huế đang mai một và có nguy cơ bị lãng quên. Thực trạng ấy khiến một nhóm học sinh Quốc Học trăn trở và ấp ủ để đưa tuồng Huế đến gần hơn với công chúng. Vở kịch “Thiên Quang Hậu Mạc” là dự án nghệ thuật kết hợp tuồng và nhạc kịch được Câu lạc bộ Humans of Quoc Hoc và Câu lạc bộ Sân khấu điện ảnh Youth Spirit Production thực hiện.

Theo cách lý giải của Ban tổ chức, “Thiên Quang” nghĩa là ánh vàng son chói lọi của một nền tinh hoa văn hoá, “Hậu Mạc” nghĩa là đằng sau tấm màn. Mượn “Mạc” thể hiện “Thiên Quang”; mượn kịch nghệ để hiểu rõ hơn về cuộc đời, về hiện thực, về xã hội... Lấy bối cảnh ở Huế vào năm 1947, miền đất kinh kỳ bấy giờ đang dần chịu ảnh hưởng và đổi thay bởi làn gió văn hoá phương Tây. Câu chuyện kể về quá trình hoạt động nghệ thuật đầy gian truân của gánh hát mang tên Thuận Hóa. Vở kịch thể hiện nỗi đau của những nghệ sĩ tuồng chân chính khi những đứa con tinh thần bị xã hội quay lưng và phải tự mình bóp méo một cách lố lăng để đáp ứng nhu cầu khán giả.

Khán giá bị cuốn hút bởi các nhân vật Hải, một chàng trai trẻ giàu quyết tâm kế thừa gánh hát tuồng - tâm huyết cả đời của người cha đã khuất. Mai Lan, một cô gái tân thời xinh đẹp nhưng vì làn sóng Âu hoá mà chối bỏ tuồng, khiến tuồng mất chất. Chính, một người bạn của Hải, cũng là người học trò một lòng cống hiến và gìn giữ sự nghiệp của người thầy quá cố. Câu chuyện được đẩy lên cao trào khi đằng sau những chiếc mặt nạ tuồng là bao âm mưu, cám dỗ và sự hào nhoáng, giả tạo.

Từng trường đoạn, lớp lang được các em thể hiện bài bản nhuần nhuyễn, đi vào lòng người một cách nhân văn. Lắng đọng trong lòng người xem là sự lao động miệt mài, nghiêm túc, có tính sáng tạo của dàn diễn viên không chuyên. Các em đã cảm nhận được linh hồn của nghệ thuật truyền thống và cứ thế sống cùng với nhân vật bằng cảm xúc có thật.

Sau gần một năm thai nghén, từ ý tưởng đến viết kịch bản, dàn dựng, xin tài trợ… đều do các em đảm nhận. Để mang được vở kịch “Thiên Quang Hậu Mạc” lên sân khấu với 10 hồi và thời lượng 150 phút là cả một quá trình tập luyện bền bỉ của học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế. Thế nhưng, bằng niềm đam mê và ý thức trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa văn hóa truyền thống khiến những khó khăn về thời gian luyện tập, kinh phí eo hẹp, lời thoại dài, nhiều cảnh… cũng không làm khó những người trẻ.

Hậu thuẫn giúp các em tiếp cận, yêu nghệ thuật tuồng và tự tin biểu diễn trên sân khấu chính là sự dìu dắt tận tình của những nghệ sĩ lão làng. Theo ông Đinh Việt, đạo diễn, nghệ sĩ tuồng Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế: Các em chuẩn bị khâu kịch bản rất chi tiết, có chất lượng, có sự tìm tòi, sáng tạo. Nhiều em hóa thân vào nhân vật nhưng vẫn giữ nét hồn nhiên của tuổi học trò. Bằng niềm đam mê, các em đã chuyển tải nội dung vở kịch mềm mại.

Phạm Như Uyên Nhi, Phó Trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết: Mong muốn của chúng em là đưa tuồng Huế quay trở lại và có chỗ đứng trong lòng công chúng, nhất là giới trẻ. Qua dự án này, mọi người sẽ định hình về tuồng, tiến xa hơn là nghệ thuật truyền thống, từ đó, có những ý tưởng mới trong việc bảo tồn tuồng. Thế nên, “Thiên Quang Hậu Mạc” ra đời trong lúc này với sứ mệnh đem đến cho khán giả cái nhìn mới hơn, gần gũi hơn và sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa dân tộc, để thấy những giá trị sâu xa, những tâm huyết của các bậc tiền nhân.

Những tràng pháo tay, tiếng trầm trồ vang lên không ngớt. Đây hẳn là một tín hiệu mừng, chứng tỏ nghệ thuật tuồng đã, đang và vẫn luôn có một sức sống tiềm tàng. Sức trẻ, vẻ hồn nhiên, sự thuần thục và tình yêu các em dành cho nghệ thuật truyền thống khiến nhiều người lớn phải thán phục. Mặc dù mới dừng lại ở quy mô học đường, nhưng sẽ tạo hiệu ứng tích cực khi những người trẻ vẫn tiếp tục ấp ủ dự án “Thiên Quang Hậu Mạc 2” trong năm 2019 - 2020.

Với “Thiên Quang Hậu Mạc”, thêm một cách nhìn mới khi lồng ghép giữa tuồng và nhạc kịch hiện đại để giới trẻ dễ dàng tiếp nhận những giá trị nhân văn sâu sắc.

Bài: THU HUẾ

Ảnh: ĐOÀN TRƯỜNG THPT CHUYÊN QUỐC HỌC CUNG CẤP