Viễn Thông, cựu sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật vừa nhận giải tại triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2019

Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2019 (tháng 10/2019) nhận được 568 tác phẩm của 299 tác giả thuộc 25 tỉnh, thành phố và tuyển chọn 280 tác phẩm, bộ tác phẩm của 189 tác giả để trưng bày. Đáng chú ý, một trong những tác phẩm gây được ấn tượng tốt là của một tác giả vừa hoàn thành chương trình ĐH Lý Thị Viễn Thông.

Khác với nhiều nhà thiết kế, Viễn Thông lấy ý tưởng từ “Nghê và họa tiết hoa văn cung đình thời Nguyễn” kết hợp phong cách thời trang Urban hiện đại để thực hiện bộ sưu tập (BST) thời trang trình diễn “REPLY”. Trong BST, cựu SV Trường ĐH Nghệ thuật Huế (khóa 2014  - 2019) sử dụng xử lý chất liệu bằng nghệ thuật trúc chỉ và thêu đính kết, nhằm mục đích tạo điểm nhấn mới lạ và độc đáo nhưng vẫn bắt kịp xu hướng thời trang thế giới.

Một mẫu thiết kế trong bộ sưu tập của Viễn Thông 

Đằng sau BST được “trình làng” là ý tưởng đầy tính nhân văn. Theo chủ nhân BST, hiện nay dường như giới trẻ khá thờ ơ về những lịch sử, thành tựu mà ông cha để lại. Thực trạng đó tạo cho Viễn Thông khao khát muốn gắn kết quá khứ với hiện tại như một lời hồi đáp bị lãng quên.

“Việc gửi gắm vào đứa con tinh thần bằng hình ảnh linh vật “nghê”, với nhiều cung bậc cảm xúc cùng hoạ tiết hoa văn cung đình thời Nguyễn làm nổi bật nên sự hào nhoáng vững bền với thời gian được người đời coi trọng bảo tồn. Ý tưởng về lịch sử truyền thống được thực hiện bởi phong cách năng động, hiện đại để gần gũi với giới trẻ nhằm lan tỏa thông điệp tốt hơn. Bên cạnh đó, em muốn giới thiệu “nghê” - một linh vật của đất Việt thay vì nghiên cứu về kỳ lân hay long phụng – đề tài nhiều nhà thiết kế đã làm”, Viễn Thông giải thích.

Viễn Thông cùng bộ sưu tập REPLY của mình

Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần và hội tụ nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân của cả nước, trong khi đó Viễn Thông là một SV mới vừa hoàn thành chương trình ĐH ngành thiết kế thời trang. Không phải tự nhiên, BST “REPLY” – tác phẩm tốt nghiệp của Thông lọt qua “mắt xanh” các giám khảo. Để thực hiện BST, đòi hỏi sự kỳ công. Viễn Thông cho biết, vì BST được thiết kế có tính mới, phá bỏ đi những quy tắc trói buộc rập khuôn nên phải dụng công nhiều, nhất là xử lý thủ công một cách tỉ mỉ, công phu qua nhiều công đoạn và phải kết hợp xử lý chất liệu khác nhau như: nghệ thuật trúc chỉ, thêu, đính kết tạo nên chất liệu hoàn toàn mới.

Nghệ thuật đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Trước khi bắt tay thiết kế BST, ngoài phương pháp quan sát, tiếp cận thực tế, tìm hiểu, nắm bắt đặc điểm cấu tạo của “nghê” và họa tiết hoa văn cung đình và phương pháp thực địa cũng như thu thập và nghiên cứu tài liệu, Viễn Thông phải đầu tư thời gian để phân tích, tổng kết kinh nghiệm. “Em tìm hiểu những BST thời trang trước đó để tìm những điểm mới, tránh trùng lặp khi thực hiện đồ án thiết kế trang phục. Sau quá trình thu thập và nghiên cứu lịch sử, tư liệu về đề tài thì mới nghiên cứu bản chất ý tưởng của đề tài, những nét riêng biệt về tính chất rồi đưa ra thiết kế phù hợp với tính chất ý tưởng”, chủ nhân BST 23 tuổi tâm sự.

Với BST “REPLY”, ThS. Võ Quang Phát, Phó Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế đã dành những lời “có cánh”, khi chỉ ra điểm hay mà BST của Viễn Thông là biết cách khai thác giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc vào thời trang hiện đại, trong đó có sự kết hợp của nghệ thuật trúc chỉ tạo ra nét độc đáo. Theo ThS. Võ Quang Phát, đối với các nghệ sĩ, những ý tưởng phá cách, sáng tạo không khó nhưng đối với SV, việc “mạo hiểm” như thế ít ai lựa chọn nhưng Viễn Thông vẫn làm nên được đánh giá cao.

Giải thưởng là tín hiệu vui đối với một SV vừa tốt nghiệp nhưng theo Viễn Thông, một lần đứng trên bục nhận giải không phải là điều để em tự hào mà phải cố gắng và không ngừng sáng tạo.

Bài: HỮU PHÚC - Ảnh: NVCC