Mô hình nuôi cá lồng ở hồ thủy điện đem lại thu nhập ổn định cho một số hộ dân ở Lộc Bổn (Phú Lộc)  

Nhưng, điều quan trọng nhất là những gì chứa đựng bên trong cái hình thức ấy. Nói rộng ra, đó chính là đời sống của người nông dân có được cải thiện nhiều hay không. Hay nói cách khác là kinh tế có phát triển hay không và phát triển như thế nào. Điều này mới là thực tế.

Tốc độ đô thị hóa của Thừa Thiên Huế cũng khá nhanh, đến thời điểm này chiếm khoảng chừng 60%. Nhiều vùng nông thôn đã biến thành đô thị. Đời sống đô thị gắn với dịch vụ là chủ yếu, được hình thành; công việc của người nông dân là gắn với đồng áng (nói chung) đã chuyển qua nhiều ngành nghề dịch vụ khác.

Phân tích các số liệu cho thấy, đời sống của người nông dân đã khá hơn lên rất nhiều và còn có nhiều dư địa để cải thiện trong thời gian tới. Nói vậy là bởi dựa vào các yếu tố sau đây: Đô thị hóa tăng cũng có nghĩa là khu vực nông thôn thu hẹp lại cả về không gian và con người sống trong không gian ấy.

Không gian nông nghiệp hẹp lại, người làm nông và sống ở khu vực nông thôn ít hơn, nhưng  lĩnh vực kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp vẫn có mức tăng trưởng khá. Điều này cho thấy, chất lượng tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã được nâng cao. Một miếng bánh nông nghiệp to hơn, nhưng có ít người hưởng trong miếng bánh ấy, nghĩa là mỗi người nông dân được phần lớn hơn. Điều này là rất đáng mừng trong một nền nông nghiệp chưa hiện đại như nền nông nghiệp của Thừa Thiên Huế.

Một câu hỏi đặt ra là, những yếu tố nào đã thúc đẩy miếng bánh nông nghiệp to lên? Chắc chắn nó nằm ở các yếu tố sau:

Khoa học, kỹ thuật, công nghệ được ứng dụng để nâng cao sản lượng và giá trị. Tuy chưa phải là hoàn toàn nhưng những yếu tố này đã hiện diện khắp nơi, ở mọi lĩnh vực trong nông nghiệp. Sản xuất lúa chẳng hạn. Giống bây giờ được người nông dân chọn là giống được xác nhận chất lượng – năng suất cao hơn, chất lượng gạo tốt hơn, giá bán được cao và lợi nhuận thu được cũng tương ứng như vậy. Bây giờ, tiến thêm một bước là hình thành những cánh đồng sản xuất theo phương pháp hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều vùng rau màu cũng sản xuất theo hướng này… Rõ ràng tất cả những yếu tố của khoa học tiên tiến được áp dụng vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao, vừa nâng cao giá trị sản phẩm.

Tính chung trong 3 năm từ 2016 – 2018, chỉ số tăng trưởng của ngành nông nghiệp (nông – lâm – thủy sản) tăng trưởng ở mức 2,21%. Tuy chiếm tỷ trọng không cao trong nền kinh tế, ước chỉ chưa đầy 11% GRDP nhưng có một điểm đáng chú ý là tỷ lệ tăng trưởng ngày càng tăng trong 3 năm qua.

Năm 2016 tăng trưởng âm, bước qua năm 2017 tăng trưởng ở mức 2,74% và năm 2018 là 3,46%. Điều này cho thấy, miếng bánh nông nghiệp lớn lên. Và tốc độ đô thị hóa cao đã góp một phần không nhỏ làm cho miếng bánh nông nghiệp của mỗi người dân ở vùng nông thôn lớn hơn. Hay nói cách khác là đời sống của người nông dân được cải thiện đáng kể khi nhìn qua “lăng kính” này!

Một yếu tố làm tăng giá trị của sản xuất nông nghiệp, đó chính là, ngành nông nghiệp ngày càng tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Chúng ta thấy không ít mô hình sản xuất mới theo hướng tiên tiến, hiện đại với các đối tượng nuôi trồng có giá trị được áp dụng. Trong thủy sản thì nhiều đối tượng mới, mô mình nuôi thâm canh mới kiểm soát tốt hơn dịch bệnh; năng lực khai thác thủy sản tự nhiên cũng được cải thiện đáng kể. Trong nông nghiệp thì sản xuất theo phương pháp hữu cơ, trồng trong nhà màng, công nghệ tưới nhỏ giọt; trồng rừng gắn với bảo vệ môi trường và tăng xu hướng rừng trồng gỗ lớn để nâng cao giá trị, đạt chuẩn FSC để gắn với chế biến, tăng giá trị xuất khẩu… Năm 2018, tất cả các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đều có mức tăng trưởng, góp phần vào mức tăng trưởng chung của ngành 3,46%.

Như từ đầu bài đã nêu, bộ mặt nông thôn đã được cải thiện. Nhưng nội dung -  chất lượng tăng trưởng kinh tế mới là điều đáng nói. Đây chính là yếu tố tác động nâng cao đời sống của người nông dân. Nếu tốc độ đô thị hóa tiếp tục tăng lên (mà đây là điều tất yếu trong quá trình phát triển), miếng bánh nông nghiệp còn nhiều dư địa để tiếp tục lớn hơn lên. Nghĩa là, đời sống của người dân ở khu vực nông thôn còn có cơ hội cải thiện nhiều.

Bài: NGUYỄN SƠN - Ảnh: HOÀNG LOAN